Báo Đồng Nai điện tử
En

Không nên lơ là đăng ký sở hữu trí tuệ

Khánh Minh
23:00, 01/12/2024

Việt Nam tham gia vào hội nhập sâu, nhanh và rộng. Điều này đem lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN), nhưng cũng đi kèm với những thách thức không nhỏ. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương với hơn 60 quốc gia. Trong các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết đều rất xem trọng sở hữu trí tuệ (SHTT). Hầu hết, các nước nâng mức bảo hộ quyền SHTT đối với một số nhóm hàng quan trọng để bảo hộ những lĩnh vực mang đến lợi ích lớn cho nền kinh tế.

Tại Việt Nam, mấy năm trở lại đây, các DN bắt đầu chú ý đến đăng ký SHTT với các sản phẩm mới để tránh tình trạng tranh chấp khi đưa ra thị trường. Bởi vì, các sản phẩm thu hút người tiêu dùng sẽ sớm trở thành mục tiêu để đối thủ cạnh tranh sản xuất những sản phẩm tương tự. Trong hoàn cảnh đó, nếu đối thủ có quy mô sản xuất lớn hơn, mua được nguồn nguyên liệu giá rẻ, khả năng tiếp cận thị trường nhanh hơn. Họ sẽ lợi dụng kiểu dáng để sản xuất ra những sản phẩm tương tự, có giá bán rẻ hơn để cạnh tranh. Do đó, DN có sản phẩm mới không nhanh chóng đăng ký SHTT, có thể bị đối tượng “nhái” sản phẩm và chiếm lĩnh thị trường. DN sản xuất ra sản phẩm gốc sẽ mất đi cơ hội để phát triển, vì tài sản chưa được đăng ký SHTT.

Ngoài các sản phẩm hàng hóa công nghiệp, nông nghiệp cần đăng ký quyền SHTT thì nhiều lĩnh khác cũng rất cần đăng ký SHTT để tránh bị đối thủ tranh chấp các sáng chế. Đăng ký SHTT giúp đem lại độc quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu, tác phẩm nghệ thuật, văn học và các tài sản SHTT khác trong một thời hạn nhất định. Các tổ chức, cá nhân có được sự độc quyền về sản phẩm của mình có thể thu lợi từ tài sản SHTT đó.

Nhiều năm trước, nhiều DN Việt bị đánh cắp thương hiệu tại nước ngoài do chậm chân trong đăng ký SHTT. Đơn cử, năm 2011, thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột của tỉnh Đắk Lắk đã bị đăng ký bảo hộ độc quyền 10 năm tại Trung Quốc. Tương tự, nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm nhĩ Phan Thiết... từng bị DN nước ngoài đăng ký bảo hộ tại nhiều nước. Các DN Việt mất rất nhiều thời gian, chi phí để đòi lại quyền SHTT.

Hiện Đồng Nai có rất nhiều sản phẩm công nghiệp, OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã. Sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường trong nước, xuất khẩu. Theo Bộ Công thương, các DN, cơ sở muốn bảo vệ tốt sản phẩm của mình thì phải tiến hành đăng ký quyền SHTT ở trong nước, tại quốc gia sẽ đưa hàng hóa tới hoặc đăng ký tại Tổ chức SHTT thế giới.

Bên cạnh đó, các DN mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sẽ đơn giản thủ tục, sớm cấp quyền SHTT cho sản phẩm của họ. Như vậy, sẽ không “cản trở” việc sớm đầu tư sản xuất sản phẩm số lượng lớn tiêu thụ ngoài thị trường.

                                             Khánh Minh

Tin xem nhiều