Báo Đồng Nai điện tử
En

Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương

Hải Quân
07:05, 14/12/2024

Cuối tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị Triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) trên địa bàn Đồng Nai năm 2024.

Đại diện các sở, ban, ngành, địa phương khảo sát tình hình sản xuất tại một doanh nghiệp chế biến thực phẩm ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc.  Ảnh: H.Quân
Đại diện các sở, ban, ngành, địa phương khảo sát tình hình sản xuất tại một doanh nghiệp chế biến thực phẩm ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc.  Ảnh: H.Quân

Đây là năm thứ 2 tỉnh triển khai đánh giá năng lực, chất lượng điều hành của các sở, ban, ngành, địa phương thông qua Bộ chỉ số DDCI do Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai phối hợp với VCCI chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Nhiều điểm mới

Việc xây dựng và triển khai Bộ chỉ số DDCI trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy cải thiện chất lượng điều hành của các sở, ngành, địa phương, tạo động lực cải cách liên tục và đồng bộ giữa các ngành, các cấp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch tại địa phương. Đồng thời, đảm bảo các nguyên tắc: tính thực tế; tính khả thi; tính chính xác, khoa học và minh bạch; tính bảo mật và gắn trách nhiệm cụ thể.

Phó giám đốc VCCI chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nam chia sẻ, Đồng Nai là tỉnh năng động trong phát triển kinh tế. Chính quyền địa phương đã chủ động tiếp cận các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có việc triển khai đánh giá Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương. Việc triển khai bộ chỉ số này là một trong những giải pháp để nâng cao năng lực, cách thức vận hành, quản lý các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Về yêu cầu, Bộ chỉ số DDCI sẽ bám sát nội dung đánh giá của VCCI về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Đồng Nai.

Đối tượng được đánh giá gồm nhiều sở, ban, ngành và 11 UBND huyện, thành phố của tỉnh. Trong đó, Bộ chỉ số thành phần DDCI khối địa phương có 9 chỉ số: tiếp cận minh bạch thông tin và chuyển đổi số; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị; chỉ số xanh; khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.

Bộ chỉ số thành phần DDCI khối sở, ban, ngành có 8 chỉ số: tiếp cận minh bạch thông tin và chuyển đổi số; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị; chỉ số xanh.

Phó trưởng ban Pháp chế VCCI chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đức chia sẻ, Bộ chỉ số DDCI năm nay sẽ bám sát các nội dung đánh giá về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đồng Nai và nhiều điểm mới so với bộ chỉ số năm 2023. Trong đó kết hợp, rút gọn một số chỉ số thành phần cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đơn cử như việc hợp nhất chỉ số thành phần về tiếp cận minh bạch thông tin và chuyển đổi số.

“Đặc biệt, năm 2024 là năm đầu tiên Bộ chỉ số DDCI triển khai đánh giá về chỉ số xanh. Qua đó, góp phần cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh theo hướng thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, nâng cao tính chủ động và quyết liệt trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình phát triển xanh; hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện và phát triển theo định hướng xanh (thông qua các chính sách, hướng dẫn...) từ phía các sở, ban, ngành, địa phương” - ông Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh.

Tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Phương pháp xây dựng hệ thống chỉ số và tiêu chí đánh giá DDCI được lựa chọn tương tự các chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên cơ sở áp dụng linh hoạt, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của sở, ngành, huyện, thành phố; có sự tham vấn của chuyên gia PCI và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện…

Khảo sát DDCI sẽ tiến hành với các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hợp tác xã có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và triển khai đầu tư dự án trên phạm vi toàn tỉnh. Các doanh nghiệp, hợp tác xã khảo sát được chọn xác suất theo phương pháp ngẫu nhiên, phân nhóm theo tỷ lệ nhất định…

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai Đặng Văn Điềm nhận định, việc triển khai đánh giá Bộ chỉ số DDCI sẽ góp phần thúc đẩy công tác điều hành, quản lý của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh. Từ đó tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch tại địa phương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Hữu Nam chia sẻ thêm, để việc triển khai Bộ chỉ số DDCI đạt hiệu quả, cần sự đánh giá, trả lời trung thực, khách quan, trách nhiệm từ phía doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương. Do đó, các doanh nghiệp cần có những góp ý cho các sở, ngành, địa phương trong công tác quản lý, điều hành, từ đó tạo những điều kiện tốt nhất để cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh, UBND tỉnh mong muốn cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dành thời gian trả lời một cách trung thực, khách quan, có trách nhiệm những câu hỏi trong phiếu khảo sát đánh giá các sở, ngành và UBND cấp huyện do Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai phối hợp với VCCI chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện. Các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, kết quả khảo sát là nguồn thông tin quý giá giúp Đồng Nai và cộng đồng doanh nghiệp cùng giám sát để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Hải Quân

Tin xem nhiều