Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Bình Nguyên
07:41, 07/12/2024

Hậu nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, Đồng Nai tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế nông thôn, hình thành những vùng quê thông minh, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Một số địa phương đã xây dựng thành công mô hình thí điểm Ấp thông minh.

Người tiêu dùng ứng dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc nông sản tại Lễ hội Trái cây Long Khánh năm 2024. Ảnh: B.Nguyên

Từ mô hình này, đến nay, nhiều xã vùng sâu, vùng xa đã đạt kiểu mẫu về CĐS. CĐS gắn với NTM tập trung vào các nội dung: phát triển chính quyền số; phát triển kinh tế số gắn với xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản có ứng dụng công nghệ số và xã hội số...

Nông thôn thông minh

Thời gian đầu, trên địa bàn tỉnh có 3 xã được chọn thí điểm CĐS gồm: Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu), Long Phước (huyện Long Thành) và Xuân Định (huyện Xuân Lộc). Từ các mô hình điểm trên sẽ nhân rộng mô hình nông thôn thông minh ra nhiều địa phương của tỉnh.

Cụ thể, các địa phương này tập trung xây xây dựng chính quyền số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền cấp xã. Cụ thể, thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử, kết quả xử lý hồ sơ đúng hạn.

Trên địa bàn các xã đều triển khai hệ thống camera giám sát an ninh hoặc camera AI phục vụ giám sát an ninh trật tự, kết hợp giám sát giao thông tại các điểm trọng yếu, “điểm đen” về tai nạn giao thông, trật tự an toàn xã hội. Có hệ thống hội nghị truyền hình được kết nối xuyên suốt đến cấp huyện, cấp tỉnh và Chính phủ. Các xã trên đều đã trang bị hệ thống camera họp trực tuyến (đã tích hợp sẵn camera, loa, micro), có thể sử dụng kết hợp với các phần mềm họp trực tuyến như: Zoom, MS Team... Các địa phương cũng tập trung công tác tuyên truyền, triển khai các ứng dụng, dịch vụ thanh toán điện tử, thanh toán không tiền mặt... đến người dân trên địa bàn xã.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Văn Gọi cho biết, triển khai thực hiện mô hình NTM thông minh, người dân trên địa bàn các xã nông thôn được tiếp cận các ứng dụng phục vụ CĐS của chính quyền. Cán bộ ấp có ứng dụng các nền tảng phục vụ CĐS của chính quyền: kênh Zalo (UBND xã, công an xã…), kênh Facebook (các trang tuyên truyền của các đoàn thể xã), trang thông tin điện tử xã, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh… để thực hiện hiệu quả hơn công tác thông tin, tuyên truyền.

Tại các xã thí điểm nông thôn thông minh đã tiên phong triển khai sử dụng đầy đủ các phần mềm liên thông từ Trung ương, tỉnh, huyện đến xã; triển khai hệ thống Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử... để đẩy mạnh xây dựng chính quyền số. Từ khi thực hiện CĐS, quy trình tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính được chuyển đổi dần theo phương thức trực tuyến. Cùng với đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính được siết chặt, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Tiêu biểu, xã Bình Lợi phát triển xã hội số qua việc triển khai các dịch vụ giáo dục thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giảng dạy với sự tham gia của đội ngũ quản lý, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh… Xã cũng đang nỗ lực triển khai đưa các nông sản nổi bật, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của địa phương lên sàn thương mại điện tử; thúc đẩy các dịch vụ thanh toán điện tử trong người dân…

Các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh CĐS. Chỉ riêng huyện Xuân Lộc đã đặt ra mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2026-2030, toàn huyện có 7 xã (đạt 50% trên tổng số xã) đạt nông thôn mới thông minh, trong đó mỗi xã có ít nhất 2 ấp thông minh theo tiêu chí của tỉnh.

Nhân rộng mô hình

Không chỉ các địa phương được chọn làm mô hình điểm, nhiều xã trên địa bàn tỉnh hiện đã hoàn thành kiểu mẫu trong CĐS. Ngay cả các xã vùng sâu như: Xuân Hòa, Xuân Thành (huyện Xuân Lộc) đã thành công về đích chọn CĐS trong thực hiện NTM kiểu mẫu.

Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng thành công xã kiểu mẫu về CĐS, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Tạ Tấn Tài cho hay, xã đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại 4 ấp nhằm thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng công nghệ số. Tổ công nghệ số cộng đồng gồm các thành viên như: bí thư, trưởng ấp, đặc biệt là các đoàn viên thanh niên vừa giỏi công nghệ, vừa rất năng nổ trong công tác vận động. Lực lượng này tiếp cận từng người dân, hướng dẫn họ cài đặt, sử dụng các phần mềm CĐS, phần mềm thanh toán điện tử... Lực lượng trẻ của địa phương tiên phong ứng dụng CĐS rồi lan tỏa dần ra cộng đồng. Trong đó, công tác vận động, tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, kiên trì.

Nhờ cách làm đúng, các xã NTM kiểu mẫu về CĐS đạt nhiều tiêu chí kiểu mẫu nổi bật về CĐS. Cụ thể, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh trên địa bàn xã đạt gần 90%. Thực hiện CĐS, tỷ lệ văn bản được ký số và được gửi đi theo quy định đạt 100%. Thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử tập trung của tỉnh đạt 100%. Tỷ lệ thủ tục hành chính cấp xã được giải quyết đúng hoặc trước thời hạn quy định đạt trên 98%. Trên địa bàn các xã này có nhiều địa điểm quan trọng và các tuyến đường được lắp đặt camera an ninh.

Về chương trình thanh toán không dùng tiền mặt, không chỉ các cửa hàng bán lẻ hiện đại hay siêu thị, một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở các xã vùng sâu cũng tích cực hưởng ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt bằng hình thức quét mã QR… Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh tại các xã vùng sâu cũng đồng loạt triển khai thực hiện hóa đơn điện tử trong các giao dịch. Chương trình này góp phần công khai, minh bạch trong vấn đề quản lý thuế, tránh thất thu ngân sách nhà nước.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều