Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần ngăn chặn hàng giả trên kênh bán trực tuyến, mạng xã hội

Khánh Minh
23:00, 06/12/2024

Khoảng 5 năm trở lại đây, nhu cầu mua hàng hóa qua các kênh bán hàng trực tuyến, mạng xã hội tăng nhanh. Bởi vì, các kênh bán hàng trên giúp cho người tiêu dùng giảm được nhiều thời gian đi đến các cửa hàng để lựa chọn sản phẩm. Đồng thời, việc mua hàng trực tuyến thông qua sàn thương mại điện tử, mạng xã hội giảm bớt được khâu trung gian nên giá bán cũng rẻ hơn.

Tuy nhiên, người tiêu dùng mua hàng hóa trên kênh trực tuyến, mạng xã hội nếu không đủ thông tin về sản phẩm, nhãn hiệu để phân biệt hàng thật - hàng giả thì sẽ rất dễ mua phải hàng giả. Hàng giả bán trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội gồm có quần áo, túi xách, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, điện tử, đồ gia dụng…

Dự báo, năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam có thể đạt trên 24,53 tỷ USD, tăng hơn 4 tỷ USD so với năm 2023. Tiềm năng phát triển thị trường thương mại Việt Nam sẽ rất lớn nên người tiêu dùng cũng mong muốn Chính phủ sẽ có những chính sách, giải pháp ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên các kênh bán hàng trực tiếp và mạng xã hội để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp, nhãn hàng.

Tháng 3- 2023, Chính phủ đã phê duyệt Đề án 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Đề án này góp phần ngăn chặn hàng giả trên thương mại điện tử. Theo Tổng cục Quản lý thị trường, muốn phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả vi phạm trong thương mại điện tử cần hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản, chính sách pháp luật sát thực tế hơn nữa, tránh chồng chéo trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về thương mại điện tử cho các địa phương. Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý thị trường để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Đồng thời, người tiêu dùng phải chú ý không mua hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.                

                Khánh Minh

Tin xem nhiều