“Năm 2024, chúng tôi lỗ khoảng 15 tỷ đồng. Nếu vẫn giữ mức giá này cho năm 2025, chúng tôi lỗ khoảng 30 tỷ đồng. Không “gồng” nổi!” - lãnh đạo Công ty CP Dịch vụ Sonadezi, chủ đầu tư Khu xử lý chất thải xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) - khu xử lý rác sinh hoạt (RSH) lớn nhất tỉnh, chia sẻ.
Xử lý rác sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải xã Quang Trung, huyện Thống Nhất - khu xử lý rác sinh hoạt lớn nhất tỉnh hiện nay. Ảnh: H.LỘC |
Ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp (DN), lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng xem xét, xây dựng đơn giá xử lý RSH cho năm 2025 để DN có lợi nhuận.
Càng làm càng lỗ
Cuối năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt đơn giá trần xử lý RSH áp dụng cho năm 2018. Theo đó, đơn giá trần đối với 2 phương pháp xử lý là: sản xuất mùn hữu cơ (compost) và đốt (không phát điện) mà đảm bảo tỷ lệ chôn lấp dưới 15% là 496 ngàn đồng/tấn. Đơn giá này được áp dụng cho đến thời điểm hiện tại.
Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Sonadezi Trần Anh Dũng chia sẻ, từ năm 2019 đến nay, công ty nhiều lần kiến nghị điều chỉnh đơn giá trần xử lý RSH, nhưng không được. Năm 2024, công ty lỗ khoảng 15 tỷ đồng. Nếu vẫn giữ mức giá này cho năm 2025, công ty sẽ lỗ khoảng 30 tỷ đồng; không “gồng” nổi.
Cũng theo ông Dũng, 7 năm qua, các chi phí cơ bản cấu thành đơn giá xử lý RSH là: nguyên liệu, điện và lương cơ bản đều tăng, trong đó lương tăng 80%, nhưng giá trần xử lý rác lại không tăng, khiến công ty càng làm càng lỗ.
Từ năm 2018 đến nay, tỉnh áp dụng một mức giá trần xử lý RSH là 496 ngàn đồng/tấn, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Các DN đang kiến nghị điều chỉnh tăng giá.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Nguyễn Ngọc Thường cho rằng, năm 2025, sở đề xuất đơn giá trần xử lý rác như năm 2024 vì Bộ Tài nguyên và môi trường chưa ban hành hướng dẫn định mức kinh tế kỹ thuật công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt.
“Chúng tôi hiểu khó khăn của DN nhưng vì chưa có hướng dẫn của bộ nên không có cơ sở để điều chỉnh đơn giá. Giờ mà chờ hướng dẫn của bộ rồi điều chỉnh đơn giá lại chậm trễ cho địa phương trong thực hiện các thủ tục mời thầu, đấu thầu xử lý RSH của năm 2025 nên chúng tôi đề xuất giá giống như năm 2024” - ông Thường chia sẻ.
Kể từ khi tỉnh áp dụng đơn giá trần nói trên, đã có 3/7 khu xử lý ngừng tham gia đấu thầu, xử lý RSH. Hệ quả là RSH dồn về một vài khu xử lý còn hoạt động, gây quá tải và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Điển hình là Khu xử lý chất thải xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) từ chỗ chỉ tiếp nhận RSH của 2/11 địa phương nay tiếp nhận rác của 8/11 huyện, thành phố. 2 năm qua, chủ khu xử lý liên tục kiến nghị giảm công suất tiếp nhận để có thời gian bảo trì, bảo dưỡng máy móc nhưng không được, vì RSH không biết đưa đi đâu.
Trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, UBND tỉnh nhiều lần yêu cầu 3 khu xử lý: Thiên Phước (huyện Cẩm Mỹ), Bàu Cạn (huyện Long Thành) và Tây Hòa (huyện Trảng Bom) phải hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đầu tư máy móc để tham gia xử lý RSH trở lại từ ngày 1-7-2024, nhưng đến nay vẫn chưa có thêm khu xử lý nào nhận RSH.
Cần điều chỉnh đơn giá
Từ những phân tích trên, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Sonadezi Trần Anh Dũng kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành xem xét điều chỉnh tăng đơn giá trần xử lý RSH của năm 2025 để công ty duy trì hoạt động bình thường, tái đầu tư máy móc và nguyên vật liệu nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường cho tỉnh.
Ông Dũng đưa ra 3 phương án đơn giá trần trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và môi trường là: sử dụng lại bộ định mức kỹ thuật, đơn giá xử lý RSH bằng phương pháp compost đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2017, có cập nhật biến động giá cả thị trường và chi phí đầu tư mới; thuê đơn vị tư vấn xây dựng đơn giá mới hoàn toàn; áp dụng đơn giá như tỉnh Bình Dương do tương đồng về phương pháp, công nghệ
xử lý.
Hai năm qua, các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ… mở thầu gói xử lý RSH đến 5-7 lần nhưng không có đơn vị tham gia, một phần vì đơn giá thấp. Hiện tại, các địa phương đang chờ UBND tỉnh ban hành đơn giá xử lý RSH năm 2025 để hoàn thiện hồ sơ mời thầu. Trường hợp giữ nguyên đơn giá trần, chắc chắn đấu thầu xử lý rác của các địa phương tiếp tục gặp khó khăn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, thời gian qua, các chi phí cấu thành giá xử lý RSH tăng khá nhiều. Điển hình là lương nhân công, giá điện, nên đơn giá các dịch vụ, trong đó có xử lý RSH, cũng phải điều chỉnh ít nhiều. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và môi trường nên địa phương phải tự ban hành đơn giá dựa trên giá các năm trước đó có cộng thêm biến động giá thị trường.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đề nghị Sở Tài nguyên và môi trường xây dựng dự thảo phương án giá trình UBND tỉnh. Lãnh đạo tỉnh lưu ý, đơn giá phải đảm bảo trả đúng, trả đủ và để DN có lợi nhuận. Song song đó, các DN xử lý rác lập phương án giá dựa trên chi phí, công nghệ, phương án xử lý trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Đồng Nai là địa phương duy nhất cả nước đạt tỷ lệ chôn lấp RSH sau xử lý dưới 15%. Điều này đồng nghĩa với các DN xử lý phải đầu tư nhiều vào máy móc, công nghệ, nguyên vật liệu để tái chế, tái sử dụng tối đa rác. Việc xây dựng đơn giá trần xử lý RSH phù hợp với phương pháp và công nghệ là điều kiện để DN duy trì hoạt động, tiếp tục tái đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường.
Hoàng Lộc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin