Ngành sản xuất, chế biến gỗ đóng vai trò quan trọng tại thị trường nội địa, có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam. Một trong những đòi hỏi ngày càng cao đối với ngành này là sản xuất bền vững và bảo vệ môi trường từ việc xây dựng nguồn nguyên liệu hợp pháp.
Khách tham quan tại chợ đầu mối đồ gỗ nội thất Hố Nai (thành phố Biên Hòa). Ảnh: V.Gia |
Theo các chuyên gia trong ngành gỗ, giải pháp cần tính toán tới là xây dựng bộ quy tắc sản xuất bền vững. Trên cơ sở những quy chuẩn chung của Việt Nam và yêu cầu từ thị trường quốc tế, mỗi doanh nghiệp (DN) thực hiện bộ quy tắc phù hợp với nhu cầu, mục đích phát triển.
Nhiều hạn chế trong xây dựng nguồn nguyên liệu nội địa
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng Bùi Duy Ngọc, tại Việt Nam, nguồn nguyên liệu cho chế biến gỗ đang còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Đa số nguyên liệu gỗ rừng trồng của Việt Nam là ở khu vực miền Trung và vùng núi phía Bắc. Các cơ sở chế biến gỗ tại đây quy mô khá nhỏ, sản lượng gỗ tròn khai thác hàng năm/cơ sở khá khiêm tốn với hơn 50% số cơ sở dưới 1 ngàn m3 gỗ/năm. Bên cạnh đó, giữa vùng nguyên liệu và vùng tập trung sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu (Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai) chưa có sự liên kết chặt chẽ.
Các chuyên gia nhận định, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã đưa ra các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ, phục vụ sản xuất đồ gỗ. Tuy nhiên, cho đến nay, kết quả đạt được trong việc tạo nguồn gỗ rừng trồng chất lượng cao vẫn còn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Việc giảm phụ thuộc vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, chủ động thay thế bằng nguồn gỗ rừng trồng có chất lượng trong nước có vai trò quan trọng trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh của ngành.
Các DN cần phải xây dựng những đơn vị đầu tàu để có thể dẫn dắt chuỗi DN đi phía sau mình nhằm tạo sức mạnh về quy mô đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu gỗ Việt trên thị trường quốc tế. |
Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends, cho rằng Việt Nam hiện vẫn còn nhiều rào cản trong việc phát triển gỗ rừng trồng là gỗ lớn, có chất lượng, có chứng chỉ bền vững. Các rào cản này bao gồm các khía cạnh về đất đai, kỹ thuật, thị trường và thể chế. Cần phải có những thay đổi căn bản, về cả khía cạnh thực tiễn và chính sách. Cần tối đa hóa các nguồn lực, bao gồm cả việc lồng ghép các nguồn lực sẵn có của địa phương nhằm khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, khuyến khích hộ tham gia và các liên kết với các công ty. Điều này cần đến sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc tạo môi trường đầu tư lành mạnh, giúp cho việc hình thành liên kết dễ dàng hơn trong tương lai.
Xây dựng chuẩn quy tắc thực hành tính bền vững của ngành gỗ
Muốn phát triển bền vững, đặc biệt là tuân thủ những quy tắc về hàng hóa, sản phẩm từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, có trình độ phát triển cao, ngành gỗ phải xây dựng những quy chuẩn của mình.
Phó viện trưởng Viện Phát triển DN (Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam) Lê Thị Thu Thủy chia sẻ, việc xây dựng bộ quy tắc nhằm giúp DN nhận thức rõ tầm quan trọng của bảo tồn và quản lý bền vững rừng. Khuyến khích thúc đẩy thương mại lâm sản từ những khu rừng được quản lý bền vững, đồng thời cam kết minh bạch nguồn gỗ và sản phẩm gỗ từ các khu rừng hợp pháp và được quản lý bền vững. Bên cạnh đó, DN thực hiện trách nhiệm giải trình trong phạm vi hoạt động sản xuất, kinh doanh của chuỗi cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ; không đưa ra các tuyên bố về tính bền vững gây hiểu lầm hoặc không có cơ sở; có kế hoạch và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường...
Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông (ở tỉnh Bình Dương) Nguyễn Hữu Thông chia sẻ, công ty đang xuất khẩu sản phẩm gỗ nội thất và ván ghép sang thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, chinh phục các khách hàng bằng nguồn nguyên liệu Việt Nam như: cây cao su, tràm… Để phát triển bền vững, công ty đặc biệt chú trọng đến việc phát triển nguồn nguyên liệu hợp pháp, đảm bảo chất lượng và dịch vụ tốt nhất tới khách hàng. Những yêu cầu ngày càng cao về sản xuất, quy chuẩn sản xuất để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu được công ty lồng ghép, đưa vào các nội quy, quy định của mình.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Chánh văn phòng Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, một số DN, hội viên đang nỗ lực để kết nối với vùng nguyên liệu trồng rừng, thực hành và đạt chứng nhận rừng bền vững. Không chỉ triển khai ở trong tỉnh mà các DN còn từng bước kết nối với vùng nguyên liệu lớn trong cả nước.
Bên cạnh đó, hiệp hội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về phát triển sản xuất gỗ bền vững, trong đó có xây dựng nguồn nguyên liệu đạt chuẩn hợp pháp. Thời gian tới, việc sản xuất bền vững xây dựng nguồn nguyên liệu hợp pháp rất quan trọng nên ngành gỗ sẽ tiếp tục tham vấn các chuyên gia nhằm hỗ trợ DN, hội viên từng bước xây dựng Bộ quy tắc sản xuất bền vững cho mình.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin