5 địa phương đã thống nhất phương án, nguồn vốn Nhà nước tham gia vào Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, dự án đường bộ lớn nhất từ trước tới nay của vùng Đông Nam Bộ.
Đồng Nai sẽ thực hiện hạng mục xây dựng cầu Thủ Biên thuộc Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Phạm Tùng |
Theo kế hoạch, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sẽ được UBND Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thiện để trình Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư xem xét trước khi báo cáo Chính phủ.
4 địa phương cân đối ngân sách tham gia dự án
Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài gần 207km đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh. Giữa tháng 10 vừa qua, Chính phủ đã giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh làm cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh có đặc thù riêng. Đó là báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chung của dự án sẽ được tổng hợp trên cơ sở tổng hợp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần do các địa phương có tuyến đường đi qua lập.
“Hiện nay, về hồ sơ kỹ thuật, phương án phân chia dự án thành phần của dự án đã cơ bản được thống nhất” - ông Lâm cho hay.
Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có chiều dài hơn 45km, điểm đầu dự án thuộc địa phận huyện Cẩm Mỹ và điểm cuối dự án thuộc địa phận huyện Vĩnh Cửu. |
Ông Lâm cũng cho biết thêm, quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, một trong những vấn đề lớn nhất cần sự thống nhất của các địa phương là phương án vốn nhà nước tham gia vào dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Cụ thể, theo phương án ban đầu, với phần vốn nhà nước tham gia vào dự án, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tự cân đối để tham gia. Với 3 địa phương Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ bố trí 50% vốn ngân sách địa phương tham gia vào phần vốn nhà nước, 50% còn lại kiến nghị Trung ương hỗ trợ. Riêng tỉnh Long An sẽ cân đối vốn ngân sách địa phương tham gia dự án 25% nguồn vốn, 75% nguồn vốn còn lại kiến nghị Trung ương hỗ trợ.
Tuy nhiên, vào ngày 25-10 vừa qua, tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và đầu tư, trên cơ sở báo cáo của các địa phương, các cơ quan chuyên môn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thống nhất với lãnh đạo các địa phương nghiên cứu các phương thức đầu tư để đánh giá luận cứ, đề xuất phương thức đầu tư phù hợp, khả thi theo nguyên tắc ưu tiên đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đồng thời, lưu ý cập nhật phương thức xây dựng - chuyển giao (BT) Chính phủ đang trình Quốc hội. Trường hợp phải bố trí vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án để tăng tính khả thi của dự án thì các địa phương cần ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Kế hoạch và đầu tư, các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thống nhất sẽ cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để tham gia dự án.
Đối với Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, thời gian qua, tỉnh đã bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh tham gia Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nên nguồn vốn ngân sách tỉnh để bố trí tham gia dự án đang rất khó khăn.
“Đồng Nai vẫn kiến nghị nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ 50% phần vốn nhà nước tham gia vào dự án. Nếu nguồn vốn ngân sách trung ương gặp khó khăn thì tỉnh sẽ nỗ lực cân đối ngân sách tỉnh để tham gia vào dự án này” - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết.
Riêng với tỉnh Long An, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm cho hay, tỉnh nỗ lực bố trí tối đa khoảng 10 ngàn tỷ đồng tham gia dự án, phần vốn còn lại khoảng 33 ngàn tỷ đồng kiến nghị được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách trung ương.
Đồng Nai sẽ đầu tư hạng mục cầu Thủ Biên
Ngoài nguồn vốn, một vấn đề khác cũng được UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị làm rõ là việc đầu tư tuyến đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa phương này.
Trước đó, HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua chủ trương đầu tư dự án. Do đó, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư dự án theo chủ trương đầu tư đã được HĐND tỉnh thông qua. Tuy nhiên, tỉnh Bình Dương cũng mong muốn được hưởng các cơ chế, chính sách chung của toàn bộ dự án đối với đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh.
Riêng với hạng mục cầu Thủ Biên, trước đây, trong văn bản giao nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ không giao hạng mục cầu Thủ Biên để Đồng Nai thực hiện. Tuy nhiên, trong chủ trương đầu tư dự án đoạn qua địa bàn đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua cũng không có hạng mục này. Chính vì vậy, để không phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, tỉnh Bình Dương đã đề nghị tỉnh Đồng Nai thực hiện hạng mục này của dự án.
Về phía tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, đối với hạng mục cầu Thủ Biên, địa phương dự kiến sẽ thực hiện trong giai đoạn 2 của Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh.
Trước ý kiến này của tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã đề nghị Đồng Nai rà soát, cân đối nguồn vốn để đầu tư hạng mục cầu Thủ Biên ngay trong giai đoạn 1 của dự án để đảm bảo tính đồng bộ khi khai thác.
Phạm Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin