Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành dệt may, giày dép đang gấp rút tìm nguồn nguyên phụ liệu trong nước để giảm nhập khẩu từ Trung Quốc. Bởi các DN lo lắng, năm 2025, Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc 60%. Khi đó, Mỹ sẽ đòi hỏi rất kỹ nguồn gốc của sản phẩm, từ khâu nguyên liệu đầu vào. Nếu nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, có thể phải đối mặt với mức thuế cao hơn.
Với 60-70% nguyên phụ liệu cho ngành giày dép, dệt may phải nhập khẩu từ Trung Quốc khiến nhiều DN Đồng Nai cũng như cả nước lo lắng. Vì thế, các DN giày dép, dệt may đang tìm đối tác trong nước để ký kết hợp tác cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau. Việc này mở ra cơ hội cho những nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành giày dép, dệt may. Theo đó, các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành giày dép, dệt may có sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng, giá cạnh tranh sẽ dễ dàng tìm được khách hàng trong nước, cũng như các nước trong khu vực ASEAN.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam, nếu Mỹ áp thuế 60% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thì nhiều đơn hàng giày dép, dệt may từ Trung Quốc sẽ dịch chuyển về các nước ASEAN. Trong đó, Việt Nam là nơi nhận thêm nhiều đơn hàng. Hiện đã có sự dịch chuyển các đơn hàng nên nhiều DN Việt Nam đã nhận được đơn đặt hàng may mặc, giày dép đến quý II-2025. Tuy nhiên, trong 1-2 năm tới, DN rất khó tìm nguồn nguyên phụ liệu trong nước và các nước khác để giảm dần và thay thế nguồn hàng từ Trung Quốc.
Do đó, các hiệp hội đã đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ kịp thời để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành giày dép, dệt may. Đồng thời, các DN chủ động liên kết đầu tư, đặt hàng với các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành giày dép, dệt may trong nước. Tạo được chuỗi sản xuất trong nước, các DN có thêm cơ hội tham gia sâu, rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu để từ đó, phát triển mạnh ngành giày dép, dệt may theo hướng xanh, bền vững, tiếp tục giữ vị trí tốp 3 thế giới về sản xuất, xuất khẩu giày dép, dệt may.
Khánh Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin