Báo Đồng Nai điện tử
En

Động lực mới từ thị trường Halal

Văn Gia
07:00, 11/11/2024

Thị trường Halal toàn cầu có quy mô dự kiến hơn 7,7 ngàn tỷ USD trong năm 2025 và hơn 2 tỷ người theo Hồi giáo là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tiến vào thị trường rộng lớn này.

Công ty CP Domilk giới thiệu sản phẩm cho khách hàng đến từ thị trường Halal.
Công ty CP Domilk giới thiệu sản phẩm cho khách hàng đến từ thị trường Halal. Ảnh:C.T.V

Thời gian qua, Nhà nước và cộng đồng DN đã tích cực chuẩn bị các điều kiện, gia tăng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ cho thị trường rộng lớn này. Bằng cách áp dụng chứng nhận Halal, Việt Nam khẳng định mình là nguồn cung cấp sản phẩm Halal được chứng nhận đáng tin cậy, mở ra cơ hội mới cho DN.

Nhà nước dẫn dắt

Dân số lớn, nền kinh tế đang tiếp tục phát triển nên mức chi tiêu, sử dụng sản phẩm Halal của các nước Hồi giáo có xu hướng ngày càng tăng, mở rộng phạm vi ngoài quốc gia theo đạo Hồi do những sản phẩm này đòi hỏi phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe về quy trình sản xuất và vệ sinh để được cấp chứng nhận. Cùng với đó, các lĩnh vực kinh tế Halal hiện nay không chỉ giới hạn trong ngành thực phẩm mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như: du lịch, mỹ phẩm và dược phẩm. Đây là cơ hội để Nhà nước dẫn dắt và các DN Việt Nam tìm hướng khai thác.

Ngày 23-10 vừa qua, Hội nghị toàn quốc về Halal đã được tổ chức với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”. Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Việt Nam đang chuẩn bị các điều kiện để hỗ trợ cộng đồng DN tiến vào thị trường này. Bộ đã chủ động xây dựng các quy định quốc gia về Halal gồm các tiêu chuẩn về thực phẩm Halal, về sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và giết mổ động vật theo Halal. Trong năm 2023, bộ đã công bố quy chuẩn quốc gia về tổ chức chứng nhận Halal. Năm 2024, thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia và xây dựng tiêu chuẩn  TCQG14230:2024 “Dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo - Các yêu cầu” để tạo thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch Hồi giáo tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị, đóng góp vào phát triển ngành Halal tại Việt Nam.

Cùng với các thị trường trọng điểm khác, Halal là “cơ hội vàng” để DN Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường hợp tác với các đối tác để tham gia hiệu quả vào thị trường, chuỗi giá trị Halal toàn cầu.

Giới thiệu và khẳng định với các tổ chức, đối tác từ thị trường Halal, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal toàn cầu.

Cụ thể, nền nông nghiệp Việt Nam có đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, trong đó nhiều sản phẩm nông nghiệp cơ bản phù hợp và hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn về Halal (thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, gạo...). Việt Nam cũng có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, trong đó có du lịch Halal với đường bờ biển dài hơn 3 ngàn km, nhiều hệ sinh thái quan trọng, đa dạng và nhiều vịnh, bãi biển được đánh giá đẹp trên thế giới. Do đó, Việt Nam rất quan tâm và mong muốn đưa hợp tác về Halal thành “nội hàm hợp tác kinh tế quan trọng, trụ cột mới, động lực mới” trong phát triển quan hệ với các nước, trong đó có cộng đồng Hồi giáo trên thế giới.

Thúc đẩy các giải pháp để khai thác thị trường

Thị trường lớn nhưng nếu không có giải pháp phù hợp, đồng bộ thì việc khai thác thị trường cũng là điều không dễ dàng. Có cơ hội phải biết nắm bắt và tạo dựng các điều kiện cho DN liên kết, hợp tác để cùng tìm ra cách thức. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái Halal trong nước. Trong đó, tập trung vào một số nhóm biện pháp chính gồm: hỗ trợ kết nối địa phương, DN với các đối tác, thị trường Halal toàn cầu trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược và mỹ phẩm. Đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách quản lý nhà nước về Hala; đẩy mạnh hoạt động sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển bền vững...

DN đang tích cực chuẩn bị các sản phẩm, dịch vụ phục vụ thị trường Halal. Ông Võ Văn Mạnh Em, đại diện Công ty CP Domilk (huyện Long Thành), cho hay DN đang cải tiến sản phẩm để hướng tới việc đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Đặc biệt, Domilk phát triển dòng sản phẩm phục vụ thị trường Halal với mong muốn mang lại giá trị cao nhất cho người tiêu dùng tại thị trường này,

Để hiện thực hóa mục tiêu nói trên, vào cuối tháng 8, Domilk đã tham gia Chương trình Đào tạo DN nhận thức về tiêu chuẩn Halal tại Thành phố Hồ Chí Minh. Qua lớp tập huấn, công ty thấu hiểu hơn về các chi tiết về tiêu chuẩn Halal, đồng thời có cơ hội gặp gỡ và học hỏi từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. “Chúng tôi hướng đến việc đảm bảo quy trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt các quy định Halal Việt Nam, phát triển các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thị trường và xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng toàn diện” - ông Mạnh Em chia sẻ.

Tương tự, Công ty CP Thực phẩm G.C (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) đã bước đầu xuất khẩu hàng hóa, thực phẩm sang các thị trường Halal. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc Truyền thông công ty, chia sẻ DN chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp nên công ty có nhiều tiềm năng để khai thác thị trường Halal. Sản phẩm của Công ty CP Thực phẩm G.C hiện xuất khẩu sang khoảng  20 thị trường trên thế giới, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước châu Âu, Đông Âu, Trung Đông, Đông Nam Á... Riêng các quốc gia Hồi giáo có tỷ trọng khoảng 20% trong tổng số doanh thu xuất khẩu của DN và trong tương lai dự tính sẽ được tăng thêm.

Văn Gia

Tin xem nhiều