Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy mạnh các giải pháp phát triển nông nghiệp sạch và công nghệ cao

Bình Nguyên
08:32, 15/11/2024

Kết quả 3 năm thực hiện Kế hoạch số 110-KH/TU ngày 31-12-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Vườn ổi sạch cho hiệu quả kinh tế cao của nông dân tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên

Có được kết quả trên là do Thường trực Tỉnh ủy, các cấp ủy trực thuộc, Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn, MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành. Các ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, nông dân có nhiều nỗ lực, cố gắng khắc phục các khó khăn, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Đạt nhiều thành quả

Đến nay, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực ứng dụng CNC đạt gần 46,3%, giá trị ước đạt trên 34,7 ngàn tỷ đồng, đạt gần 92,6% mục tiêu đến năm 2025, cao hơn so với kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh đã hình thành 8 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, có 419 mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, vượt mục tiêu đến năm 2025.

Toàn tỉnh có hơn 885 hécta đất sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực sản xuất theo quy trình tốt và tương đương đạt gần 10,3%, đạt 41% kế hoạch đến năm 2025. Toàn tỉnh cũng hình thành 15 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với quy mô gần 1,6 ngàn hécta, vượt gấp 5 lần so với mục tiêu đến năm 2025. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9 mô hình đạt chứng nhận hữu cơ với diện tích gần 28 hécta.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu cơ bản đáp ứng mục tiêu, lộ trình đề ra đến năm 2025. Trong đó có 4/11 chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu; 4 chỉ tiêu đảm bảo lộ trình kế hoạch. Ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, thu nhập của người dân nông thôn. Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi thủy sản đạt khoảng 160 triệu đồng/hécta/năm, gấp 1,3 lần so với năm 2020.

CNC ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu trong đó là công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; sử dụng giống cấy trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao gắn với biến đổi khí hậu; ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, công nghệ chuồng lạnh trong lĩnh vực chăn nuôi, công nghệ sấy thăng hoa và công nghệ chiếu xạ do DN đầu tư trong khu công nghiệp…

Nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất nông nghiệp tốt ngày càng phát triển. Hoạt động dịch vụ nông nghiệp rộng khắp và dần đi vào chiều sâu góp phần mở rộng sản xuất nông nghiệp, phát triển thị trường.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, có thể khẳng định, đạt được kết quả trên nhờ tỉnh rất quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung có hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi, điện cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất. Hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại của tỉnh nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Công tác quy hoạch không gian phát triển ngành được tập trung, chú trọng, được cụ thể hóa trong Quy hoạch tỉnh để làm cơ sở triển khai thu hút đầu tư. Công nghiệp chế biến nông sản tiếp tục phát triển, có nhiều chuyển biến tích cực, giá trị tốc độ tăng giá trị công nghiệp chế biến thực phẩm luôn duy trì ở mức trên 5%/năm.

Ngành nông nghiệp quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, DN để tạo động lực, nguồn lực phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và ưu tiên bố trí chỉ tiêu biên chế đối với cán bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Khắc phục hạn chế để đạt kết quả cao hơn

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch số 110-KH/TU vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm cần được nghiêm túc nhìn nhận để khắc phục trong thời gian tới như: số DN nông nghiệp ứng dụng CNC được chứng nhận, tỷ lệ diện tích đạt chứng nhận an toàn thực phẩm, tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả…

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện Kế hoạch số 110-KH/TU trong thời gian tới, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn yêu cầu, công tác thông tin, tuyên truyền cần tiếp tục được tăng cường nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp hữu cơ và các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để DN, người dân nắm và đồng thuận trong quá trình thực hiện.

Các địa phương cần rà soát đánh giá cụ thể, chính xác thực trạng các chỉ tiêu còn đạt mức thấp, xác định khối lượng nhiệm vụ còn lại để có kế hoạch chi tiết, lộ trình cụ thể, nguồn lực tương xứng. Đồng thời, tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát của người đứng đầu cấp ủy các cấp, đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu đến cuối năm 2025.

Tập trung nguồn lực triển khai phương án phát triển nông nghiệp, nông thôn trong Quy hoạch tỉnh, trong đó cần tập trung kêu gọi đầu tư vào các khu/vùng nông nghiệp ứng dụng CNC theo quy hoạch; nhất là 3 vùng CNC tại huyện Cẩm Mỹ đã có DN đề xuất chủ trương đầu tư. Ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để đầu tư kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất hữu cơ. Kêu gọi đầu tư hệ thống bảo quản, lưu trữ, sơ chế, đóng gói nông sản, thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn, hệ thống điện 3 pha và các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với các vùng sản xuất tập trung, nhất là các ngành hàng có giá trị kinh tế và lợi thế canh tranh như: chuối, bưởi, sầu riêng, xoài… Xây dựng các vùng trồng, vùng nuôi đáp ứng yêu cầu về sản lượng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật để gắn kết với công nghiệp chế biến và thị trường xuất khẩu.

Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được tỉnh ban hành như: Chương trình Phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Đề án Phát triển kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp; chính sách về hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất an toàn; liên kết sản xuất, khuyến nông, tập trung tích tụ đất đai cho sản xuất, xúc tiến thương mại. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và nhân rộng mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp CNC.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều