Báo Đồng Nai điện tử
En

Hé lộ phương án đầu tư tuyến đường lớn nhất vùng Đông Nam Bộ

Phạm Tùng
07:10, 16/10/2024

Theo dự kiến, Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp chuyên đề cuối năm 2024.

Điểm cuối tuyến đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh có vị trí trước mố cầu Thủ Biên, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu.
Điểm cuối tuyến đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh có vị trí trước mố cầu Thủ Biên, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh:P.Tùng

Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh là dự án đường bộ lớn nhất vùng Đông Nam Bộ từ trước đến nay được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Hai phương án đầu tư

Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư (KHĐT) đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh. Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài gần 207km, đi qua 5 tỉnh, thành: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh.

Về phương án đầu tư, Bộ KHĐT cho biết, có 2 phương án được đưa ra gồm: phương án 1, giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền tổ chức triển khai theo 5 dự án thành phần độc lập như văn bản chỉ đạo của Thủ tướng năm 2021 và phương án 2 là ghép 5 dự án thành phần qua 5 địa phương thành một dự án tổng thể trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đối với Đồng Nai, đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài gần 46km. Điểm đầu tuyến thuộc địa phận huyện Cẩm Mỹ và điểm cuối tuyến thuộc địa phận huyện Vĩnh Cửu (không bao gồm cầu Thủ Biên).

Với phương án 1, Bộ KHĐT cho hay, cần giao cho một cơ quan chủ trì xây dựng nghị quyết thí điểm về cơ chế đặc thù cho các dự án, trình Quốc hội ban hành 10 cơ chế đặc thù như đề xuất của các địa phương. Theo đánh giá, phương án này có ưu điểm là các chính sách tại nghị quyết thí điểm sẽ có hiệu lực ngay khi được Quốc hội thông qua. Một số địa phương không sử dụng ngân sách trung ương hỗ trợ như Thành phố Hồ Chí Minh có thể phê duyệt được dự án ngay, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án.

Nhưng phương án 1 cũng có nhược điểm là việc xây dựng nghị quyết thí điểm phải làm thủ tục như một bộ luật. Trong đó có những chính sách chưa có tiền lệ được Quốc hội cho phép áp dụng như: cho phép tỉnh Long An quyết định chủ trương đầu tư dự án tương đương dự án trọng điểm quốc gia. Khi dự án chia thành 5 dự án nhỏ sẽ gặp khó khăn cho cơ quan điều phối chung, khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư, tiến độ sẽ khó đảm bảo đồng bộ.

Với phương án 2, dự án sẽ thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng giao một cơ quan chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi tổng thể trình Quốc hội tương tự Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, Đường vành đai 4 - Hà Nội. Vì vậy, có thể đưa các chính sách đặc thù vào nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã có kinh nghiệm về thủ tục vì đã làm Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó, các chính sách đặc thù có thể áp dụng ngay, thuận lợi cho công tác điều phối. Quy trình triển khai thực hiện chặt chẽ và theo hệ thống pháp luật chung. Dự án tuân thủ đúng quy hoạch, thuận lợi cho công tác thu hút nhà đầu tư, công tác kiểm tra, giám sát. Thế nhưng, phương án này cũng có nhược điểm là phải thực hiện theo trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát đầu tư, phải thành lập hội đồng thẩm định nhà nước.

Với 2 phương án được đưa ra, qua các buổi làm việc với các địa phương, Bộ KHĐT cho rằng, phương án 2 có nhiều ưu điểm, triển khai thuận lợi hơn. Đồng thời, đây cũng là phương án được Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị.

Tổng mức đầu tư hơn 136 ngàn tỷ đồng

Đầu tháng 10-2024, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ KHĐT, Bộ Giao thông vận tải về giao cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án (dự án tổng thể đi qua 5 địa phương, phương án 2). Toàn tuyến sẽ được nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung. Đồng thời, giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh làm cơ quan có thẩm quyền chủ trì, phối hợp UBND các tỉnh có tuyến đường đi qua và các đơn vị liên quan tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo quy định. Hồ sơ dự án sẽ báo cáo, trình cấp thẩm quyền thẩm định và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp cuối năm 2024.

Theo đề xuất, Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1 sẽ xây dựng 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh kèm làn dừng khẩn cấp rộng 3m trên toàn tuyến. Tuyến đường song hành và đường dân sinh hai bên tuyến cũng được đầu tư tùy theo nhu cầu giao thông tại từng đoạn, khu vực, đặc biệt ở những nơi có khu đô thị, khu dân cư.

Dự án thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư ước tính hơn 136 ngàn tỷ đồng. Dự kiến nguồn vốn ngân sách trung ương tham gia dự án hơn 42 ngàn tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương gần 34 ngàn tỷ đồng, còn lại là vốn doanh nghiệp tham gia dự án.

Cũng theo đề xuất, đối với công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt (8 làn) nhằm tạo thuận lợi cho việc mở rộng đường trong tương lai.

Phạm Tùng

 

Tin xem nhiều