Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng

Bình Nguyên
08:34, 27/09/2024

Đồng Nai có diện tích rừng lớn nhất vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ với đặc trưng có hệ sinh thái rừng đa dạng cả trên cạn lẫn dưới nước, có nhiều thực vật, động vật quý hiếm. Tỉnh rất quan tâm phát triển kinh tế rừng theo hướng đa dụng như: phát triển du lịch sinh thái rừng, triển khai các mô hình kết hợp trồng dược liệu trong rừng sản xuất, nuôi thủy sản dưới tán rừng…


Vườn quốc gia Cát Tiên thu hút đông du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: B.Nguyên
Vườn quốc gia Cát Tiên thu hút đông du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: B.Nguyên

Nhằm phát huy tối đa giá trị của hệ sinh thái rừng cả về kinh tế, xã hội, môi trường, trên cơ sở phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, đa mục đích, đa giá trị, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 299/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Đồng Nai.

Giàu tiềm năng

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Đồng Nai đang quản lý, khoanh nuôi tái sinh rừng, chăm sóc gần 181,4 ngàn hécta rừng, với diện tích rừng tự nhiên gần 124 ngàn hécta; diện tích rừng trồng hơn 48,5 ngàn hécta; diện tích đã trồng, khoanh nuôi nhưng chưa đạt tiêu chí rừng trên 27,4 ngàn hécta… Năm 2023, thu dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 43,3 tỷ đồng, vượt 2% so với kế hoạch năm.

Tỉnh vẫn đang thực hiện chủ trương đóng tất cả các loại rừng tự nhiên. Riêng với hơn 73 ngàn hécta rừng phòng hộ và rừng sản xuất, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng. Ngành lâm nghiệp tỉnh đang tích cực tìm kiếm, áp dụng nhiều mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng nhằm mang lại nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế, môi trường, giúp công tác quản lý, phát triển rừng bền vững hơn.

Rừng của Đồng Nai đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử để khai thác như: gỗ và lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tín chỉ carbon… nhưng phần lớn vẫn còn ở dạng tiềm năng. Thực tế, giá trị kinh tế thu trên diện tích đất rừng trồng hiện rất thấp, bình quân chỉ thu được khoảng 20-25 triệu đồng/hécta/năm. Nhiều năm qua, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai rất quan tâm tìm kiếm, áp dụng các mô hình nhằm vừa đảm bảo đúng mục đích sử dụng đất, đảm bảo vấn đề môi trường, vừa tăng nguồn thu, ổn định cuộc sống cho người trồng rừng nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Văn Gọi (bìa trái) khảo sát rừng trồng trên địa bàn huyện Xuân Lộc.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Văn Gọi, thời gian qua, quan điểm của tỉnh là bảo vệ và phát triển vốn rừng. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tham mưu tỉnh thực hiện khai thác các giá trị kinh tế rừng như: khai thác gỗ và lâm sản bền vững với diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất; giao cho các hộ dân canh tác nông - lâm kết hợp; bảo vệ và phát triển rừng thu hút đầu tư và thu tiền dịch vụ môi trường rừng… Quan điểm phát triển rừng của tỉnh là bảo vệ rừng gắn với tăng khai thác kinh tế rừng, tạo đa giá trị cho rừng và không làm tổn hại rừng.

Ngành lâm nghiệp đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, chức năng hấp thu khí thải carbon của rừng và chức năng cung cấp gỗ và lâm sản. Nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt gần 29,3%, là tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Ông Lê Văn Gọi nhấn mạnh: “Muốn bảo vệ và phát triển rừng bền vững hơn thì kinh tế lâm nghiệp phải được xem trọng; rừng phải sinh ra tiền, tạo ra sản phẩm cho xã hội. Mục tiêu rừng tự nuôi rừng, chứ không phải tốn kinh phí của Nhà nước để duy trì, bảo vệ rừng như thời gian qua. Tuy nhiên, tiềm năng rất lớn là phát triển kinh tế dưới tán rừng còn bị bỏ ngỏ. Người làm nghề rừng vẫn còn lúng túng trong việc tìm ra giải pháp phát triển kinh tế rừng”.

Đồng Nai đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2025 và đạt khoảng 2,8 tỷ USD vào năm 2030. Tỷ lệ che phủ rừng tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 duy trì đạt 28,34%; đến năm 2030 đạt 27,4%...

Khai thác tối đa giá trị hệ sinh thái rừng

Thời gian qua, nhiều mô hình phát triển kinh tế rừng đã được triển khai thí điểm hoặc ứng dụng trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển rừng theo hướng đa giá trị như: nuôi thủy sản trong rừng ngập mặn; trồng dược liệu dưới tán rừng, kinh doanh du lịch rừng… Đồng Nai không thiếu mô hình kinh tế rừng hay, hiệu quả nhưng vẫn khó triển khai hoặc nhân rộng vào thực tế do rào cản về pháp lý. Tiêu biểu, nhiều dự án du lịch rừng chậm triển khai vào thực tế do còn nhiều rào cản về cơ chế, chính sách như vướng về quy định trong việc thuê môi trường rừng, trong đầu tư xây dựng, đầu tư về đường, điện…

Nhằm phát huy tối đa giá trị của hệ sinh thái rừng cả về kinh tế, xã hội, môi trường, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 299/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Đồng Nai. Kế hoạch nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia đầu tư, khai thác và chia sẻ lợi ích từ các giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên tham gia. Phát huy tiềm năng, thế mạnh về giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng của địa phương trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng. Khai thác giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên cơ sở không làm suy thoái tài nguyên rừng, suy giảm chức năng phòng hộ và đa dạng sinh học của khu rừng.

Trong đó, xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, phát huy tối đa giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng; liên kết theo chuỗi từ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản. Huy động tối đa nguồn lực xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào hoạt động lâm nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao trữ lượng carbon từ rừng, cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ môi trường rừng. Tạo việc làm và thu nhập cho người dân, giữ vững quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới.

Kế hoạch đưa ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như: Phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ; phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu; phát triển các hình thức nông, lâm, ngư kết hợp; phát triển dịch vụ môi trường rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều