Ngày 19-9, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tổ chức Hội nghị Hoàn thiện cơ chế thực hiện loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Mục tiêu là để nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế thực hiện các hợp đồng BT. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BT chuyển tiếp trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 và Luật Đấu thầu năm 2023.
Hội nghị được tổ chức theo thể thức trực tiếp kết hợp trực tuyến |
Các doanh nghiệp đều kỳ vọng dự thảo luật sẽ tháo gỡ những vướng mắc để triển khai tiếp các dự án BT. Việc này sẽ giúp cho các địa phương thuận lợi hơn trong xử lý các dự án BT đang triển khai phải tạm dừng trước đó. Các doanh nghiệp, địa phương cũng kỳ vọng trong dự thảo luật sẽ bổ sung, tạo thuận lợi để triển khai các dự án BT mới. Như vậy, các tỉnh, thành sẽ có thêm nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông kết nối trong địa phương, vùng để tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án BT được thực hiện trên cơ sở nhà đầu tư xây dựng công trình hạ tầng. Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư sẽ chuyển giao công trình đó cho cơ quan ký kết hợp đồng và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ.
Trong dự án BT thì nhà đầu tư bỏ tiền ra trước để thực hiện công trình BT và được Nhà nước thanh toán lại sau khi công trình BT được nghiệm thu bàn giao, tương tự như kiểu hợp đồng nhận thầu trọn gói; hợp đồng nhận thầu khoán gọn nên trong dự án BT chỉ có yếu tố “thanh toán” mà không có yếu tố “hợp tác” như trong dự án đối tác công tư (PPP). Với dự án BT, Nhà nước thanh toán giá trị hợp đồng BT cho nhà đầu tư theo nguyên tắc ngang giá, kiểu “mua đứt bán đoạn”. Nhà đầu tư dự án BT chuyển giao công trình cho Nhà nước; Nhà nước nhận chuyển giao công trình BT và thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền ngân sách hoặc tài sản công, gần như theo phương thức trao đổi hàng hóa.
Vấn đề các địa phương, doanh nghiệp mong đợi nhất là những quy định về dự án BT sẽ chi tiết, rõ ràng để có thể triển khai dễ dàng. Tại Đồng Nai, nhu cầu triển khai dự án BT khá lớn. Trước khi Chính phủ yêu cầu dừng dự án BT, tỉnh đã quy hoạch hơn 40 dự án BT tại các địa phương; trong đó đa số là dự án về hạ tầng giao thông.
Khánh Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin