Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông) phối hợp cùng Tập đoàn Meta đã phát động Chiến dịch Nhận diện lừa đảo năm 2024.
Hòm thư điện tử mạo danh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có địa chỉ “no-reply@sbvgov.site” để gửi thông tin dẫn dụ người dân, khách hàng bấm vào đường link lừa đảo cập nhật thông tin sinh trắc học cho giao dịch ngân hàng. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Đây lần đầu tiên chiến dịch này được tổ chức tại Việt Nam nhằm chia sẻ tới cộng đồng người dùng mạng xã hội các hình thức phòng tránh lừa đảo trực tuyến hữu ích.
Nhiều “bẫy” tuyển dụng việc làm biến tướng
Tại Đồng Nai, đặc biệt là ngay thành phố triệu dân như Biên Hòa, tập trung một lượng lớn người lao động nhập cư. Do đó, đây cũng là nơi dễ phát sinh tình trạng lừa đảo việc làm qua mạng, nhất là các kênh mạng xã hội.
Tình trạng lừa đảo trực tuyến hiện nay nhắm vào những người đang có nhu cầu tìm việc làm. Các đối tượng và hình thức lừa đảo ngày một tinh vi hơn, nhất là việc sao chép hoặc lợi dụng thương hiệu, doanh nghiệp nổi tiếng để rao tin tuyển dụng khiến nhiều người tin rằng đây là những thông tin tuyển dụng chính thống.
Chiến dịch truyền thông Nhận diện lừa đảo tập trung vào 6 trong số 24 hình thức lừa đảo trực tuyến được Cục An toàn thông tin xác định là “điểm nóng” tại Việt Nam như: lừa đảo đầu tư, lừa đảo việc làm, lừa đảo tài chính, lừa đảo cho vay, lừa đảo xổ số, lừa đảo mạo danh...
Các thông tin thường có nội dung hấp dẫn như “việc nhẹ, lương cao”, mức hoa hồng rất cao, nhưng bao giờ cũng luôn đi kèm điều kiện đóng trước một khoản phí, khoản đặt cọc nào đó thông qua việc chuyển tiền vào một tài khoản cá nhân hoặc nhiều tài khoản cá nhân khác nhau thay vì tài khoản của tổ chức.
Chị H.H.A. (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) cho hay, vào năm ngoái, khi vừa trông con vừa muốn kiếm thêm thu nhập, chị lên mạng xã hội kiếm việc làm thêm. Khi thấy một dòng quảng cáo ngắn gọn về công việc “xâu hạt tại nhà” mang đến thu nhập cao, chị đã ứng tuyển để gia công. Tuy nhiên, công việc có điều kiện đi kèm là bắt buộc phải cọc một số tiền tương ứng với số lượng của sản phẩm theo quy định của công ty.
“Với nhiều điều khoản hấp dẫn, người của công ty đó liên tục mời gọi, yêu cầu tôi tham gia ngay. Chính vì sự “nhiệt tình” đến bất ngờ nên tôi cảnh giác tìm kiếm trên Google thì biết đây là hình thức lừa đảo việc làm mới nhằm chiếm đoạt tiền cọc của người gia công” - chị A. chia sẻ.
Vào tháng 8 vừa qua, siêu thị Co.opmart Biên Hòa vừa có thông báo đến khách hàng và những người lao động quan tâm đến cơ hội việc làm tại Co.opmart Biên Hòa về việc cảnh báo lừa đảo tuyển dụng.
Theo đó, Co.opmart Biên Hòa thông báo không thực hiện phỏng vấn tuyển dụng online, không thực thực hiện tuyển dụng qua các nhóm chat để thực hiện các nhiệm vụ. Đồng thời, siêu thị cũng không yêu cầu nộp bất kỳ khoản phí nào, không yêu cầu phải mua hàng khi tham gia phỏng vấn…
Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Tạ Quang Trường cho biết, hiện nay có nhiều hình thức lừa đảo mới, tinh vi trên không gian mạng mà người dân cần thận trọng, lưu ý. Trong đó, phải kể đến những bẫy lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”. Các đối tượng lừa đảo luôn “đánh” vào những điểm yếu tâm lý và những ham muốn nhất thời của người bị lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc có những hành vi xấu ảnh hưởng tới người bị lừa đảo…
Các “bẫy” lừa đảo thường nhắm tới các cá nhân, tổ chức còn thiếu kinh nghiệm, kiến thức, nhẹ dạ cả tin, lơ là trong vấn đề an toàn thông tin, mạng nhất là các bạn trẻ trong giai đoạn đi học, những cá nhân có ham muốn làm giàu nhanh (nhưng không cần phải làm việc), cá nhân đang ở nhà nhưng vẫn mong muốn kiếm thêm thu nhập trực tuyến.
Do đó, người dân cần luôn giữ cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng, chống như: sử dụng phần mềm bảo mật, không cung cấp thông tin nhạy cảm cho bất kỳ ai nếu không chắc chắn về độ tin cậy của họ, kiểm tra kỹ địa chỉ email và các đường dẫn trang web trước khi truy cập và cập nhật thường xuyên các kiến thức về an toàn thông tin. Với các tài khoản mạng xã hội, cần lưu ý không cung cấp những thông tin cá nhân cho người lạ, người không quen biết trên không gian mạng; không kết bạn, không vào các nhóm Zalo, Facebook, Telegram… không quen biết.
Đặc biệt, cần “đề cao cảnh giác” khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ mời gọi về các công việc mang tính chất “việc nhẹ, lương cao”. Tuyệt đối không làm theo các yêu cầu, hướng dẫn của nhóm đối tượng liên lạc trên…
Nhiều chiêu trò mạo danh
Bên cạnh lừa đảo về việc làm, thời gian qua, chiêu trò lừa đảo giả danh, mạo danh liên tục xảy ra. Hình thức lừa đảo này tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều chiêu thức mới. Trong đó, lừa đảo mạo danh qua điện thoại, email là một trong những chiêu thức tiếp cận nạn nhân khá phổ biến.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có cảnh báo việc mạo danh NHNN để gửi đường link cập nhật thông tin sinh trắc học. Đối tượng lừa đảo mạo danh NHNN, giả mạo giao diện hòm thư điện tử (email) của NHNN để gửi thông tin dẫn dụ người dân, khách hàng bấm vào đường link lừa đảo cập nhật thông tin sinh trắc học cho giao dịch ngân hàng.
Để tạo sự tin tưởng của khách hàng nhận thư, đối tượng lừa đảo đã trích dẫn một số quy định tại Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18-12-2023 của NHNN về việc triển khai các giải pháp, an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng và yêu cầu người nhận thư cập nhật thông tin sinh trắc học theo đường link lừa đảo có trong email. Cụ thể, hòm thư điện tử giả mạo có địa chỉ “no-reply@sbvgov.site” gửi thông tin lừa đảo kèm 2 đường link: cập nhật thông tin sinh trắc học, yêu cầu thực hiện trước ngày 30-8-2024; toàn văn Quyết định số 2345/QĐ-NHNN (đính kèm email giả mạo).
NHNN khẳng định đây là hành vi mạo danh NHNN lừa người nhận thư thực hiện theo yêu cầu của kẻ lừa đảo để thu thập thông tin khách hàng. Cụ thể, bằng cách dẫn dụ khách hàng nhận thư bấm vào đường link giả mạo để tải và cài đặt ứng dụng thu thập thông tin sinh trắc học nhưng thực chất là tải về tệp (file) có chứa mã độc, phần mềm gián điệp, khai thác thông tin của khách hàng để chiếm quyền kiểm soát thiết bị cá nhân, tài khoản ngân hàng của khách hàng hoặc đánh cắp thông tin, dữ liệu nạn nhân để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.
Hiện nay, NHNN chỉ cung cấp thông tin đến công chúng chính thức qua Cổng thông tin điện tử NHNN tại địa chỉ (https://www.sbv.gov.vn). NHNN không gửi thư điện tử (email) trực tiếp đến khách hàng của tổ chức tín dụng đề nghị cập nhật thông tin sinh trắc học…
Hải Quân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin