Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm cách tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Văn Gia
08:12, 06/08/2024

Việt Nam có xấp xỉ 1 triệu doanh nghiệp (DN) nhưng mới chỉ có khoảng 5 ngàn DN thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, hơn 100 DN là nhà cung ứng cấp 1, còn lại đều là nhà cung ứng những công đoạn đơn giản. Đồng Nai cũng chỉ có số ít DN tham gia vào dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm.

Sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (thành phố Biên Hòa). Ảnh: V.Gia
Sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (thành phố Biên Hòa). Ảnh: V.Gia

Đào tạo về nhân lực, quản lý, hỗ trợ công nghệ cũng như các giải pháp tổng thể khác nhằm tạo điều kiện cho DN chuẩn hóa quy trình sản xuất là điều rất cần thiết nếu muốn tham gia sâu hơn vào lĩnh vực này.

Vẫn còn khiêm tốn

Câu chuyện cụ thể nhất là trong lĩnh vực chế tạo. Hiện nay, trong xu hướng dịch chuyển sản xuất, Việt Nam là một trong những nước được các tập đoàn, nhà sản xuất lớn quốc tế quan tâm. Điều đó tạo cơ hội cho DN Việt có thể nắm bắt, hợp tác sản xuất và cung ứng những mặt hàng phụ trợ, linh kiện, chi tiết cho các tập đoàn này, song cũng không dễ dàng.

Trở ngại chính của các DN nhỏ và vừa của Việt Nam là thiếu kỹ năng quản lý, ít đổi mới công nghệ, khả năng tiếp cận tài chính hạn chế. Hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với các DN trong nước còn rất hạn chế. Thực tế, mới chỉ có số ít DN ngành ô tô, xe máy và điện tử trong nước hội nhập thành công. Một số DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ bước đầu tham gia cung ứng được sản phẩm cho các tập đoàn FDI nhưng cũng chưa nhiều.

Để công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia cung ứng vào chuỗi sản xuất toàn cầu vẫn là bài toán nan giải. Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đang đẩy nhanh xây dựng Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp phía Bắc và phía Nam nhằm tạo điều kiện cho DN Việt.

Tại Đồng Nai, Công ty TNHH Tương Lai (huyện Long Thành) đã cung ứng các sản phẩm cao su cho DN FDI ngành xe máy, ô tô. Công ty đã tham gia Chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp Việt Nam (SDP) do Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Cục Công nghiệp (Bộ Công thương triển khai) phối hợp tổ chức.

Theo ông Trương Quốc Cường, Giám đốc công ty, việc tham gia chương trình và có thể cung ứng được sản phẩm không hề đơn giản.

Khó khăn lớn nhất mà các DN Việt đang gặp phải là việc đáp ứng những yêu cầu khắt khe, yêu cầu cao về phương diện kỹ thuật, quản trị và thời gian giao hàng của đối tác đầu chuỗi. Muốn vậy, DN phải thiết lập hệ thống công nghệ đáp ứng yêu cầu về sản phẩm, quản trị DN, lao động, điều kiện về an toàn vệ sinh lao động... Trong khi đó, đa phần DN Việt đang ở quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, đi lên từ cơ sở sản xuất, các vấn đề về quản lý sản xuất, tiết kiệm năng lượng, an toàn lao động, thân thiện môi trường đang còn bỏ ngỏ chứ chưa nói đến công nghệ sản xuất.

Tìm cách tham gia sâu hơn vào chuỗi

Tại Diễn đàn xuất khẩu “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” được tổ chức vào tháng 6 vừa qua ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhận định, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn, trở thành động lực cho DN, ngành hàng Việt Nam mạnh dạn bước ra thế giới. Những hoạt động phát triển thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại cũng đang góp phần hỗ trợ DN Việt đưa hàng hóa của mình cung ứng thuận lợi hơn.

Bên cạnh việc đưa hàng hóa xuất khẩu thì xuất khẩu tại chỗ, trong đó có cung ứng sản phẩm cho các đối tác FDI, cũng là giải pháp để DN Việt nâng tầm. Làm sao để khối DN FDI sử dụng nguyên liệu, thiết bị sản xuất trong nước nhiều hơn vẫn đang là bài toán dài kỳ.

Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (thành phố Biên Hòa) Mai Khanh cho biết, công ty đang phấn đấu trở thành một trong những nhà sản xuất khuôn mẫu và sản phẩm nhựa hàng đầu Việt Nam. Một trong những thế mạnh của công ty là ứng dụng công nghệ hiện đại, có thể nhận đơn hàng cả sản xuất và gia công khuôn mẫu. Vì thế, sản phẩm đã bán cho một số DN FDI tại Việt Nam và xuất khẩu vào Nhật Bản, Hàn Quốc… Dù đã có những kết quả bước đầu nhưng công ty không ngừng tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự, quản lý cấp trung, cấp cao. Kế hoạch dài hạn của Vinastar là đến năm 2030 đạt doanh thu 50 triệu USD/năm và xây dựng thêm các nhà máy mới.

Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Quyên, Tổng giám đốc Công ty CP Hoàng Gia Pha Lê (huyện Nhơn Trạch), với sức cạnh tranh gay gắt của thị trường thì bài toán tối ưu hóa về chi phí sản xuất là quan trọng. Công ty CP Hoàng Gia Pha Lê sử dụng nhiều lao động nên DN đang tìm cách giảm lao động, tăng năng suất. Thời gian qua, DN đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường nước ngoài nhưng so với tiềm năng còn hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, DN sẽ thường xuyên hợp tác, kết nối để nâng cao năng lực sản xuất, trình độ quản trị của nhân sự.

Văn Gia

Tin xem nhiều