Trong 7 tháng của năm nay, xuất khẩu gỗ của Việt Nam tăng trưởng khá so với cùng kỳ và có xu hướng tốt dần lên trong những tháng cuối năm. Quy mô thị trường thế giới lớn trong khi tỷ trọng hàng Việt Nam còn khiêm tốn là cơ hội để ngành gỗ tiếp tục phát triển, vươn ra thế giới.
Khách tham quan gian hàng của doanh nghiệp Đồng Nai tại Hội chợ Quốc tế máy chế biến và nguyên liệu gỗ Bình Dương 2024. Ảnh:V.Thế |
Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn phải đối mặt với những thách thức khó lường như: phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, điều tra nguồn gốc xuất xứ, các yêu cầu về bảo vệ môi trường, nguyên liệu gỗ hợp pháp hay cam kết giảm phát thải khí nhà kính... Đây là những vấn đề doanh nghiệp (DN) cần lưu tâm để hướng tới phát triển bền vững.
Ngành gỗ xuất siêu lớn
Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), với tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường, đặc biệt là đối với một số sản phẩm xuất khẩu chính đều tăng như dăm gỗ (tăng gần 38%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng trên 20%) so với cùng kỳ năm 2023, các hiệp hội, DN chế biến gỗ và lâm sản đã nỗ lực, chủ động trong việc sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
7 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản gần 9,4 tỷ USD, đạt 61,5% kế hoạch năm, tăng 20,5 % so với cùng kỳ năm 2023. Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là 1,5 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2023. Tính chung, xuất siêu của toàn ngành trong cùng thời gian là hơn 7,8 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, một trong những khó khăn lớn của các DN thành viên hiện nay là giá thuê đất tăng cao gấp nhiều lần so với trước. Điều này góp phần đẩy chi phí, giá thành sản xuất lên cao, giảm sút năng lực cạnh tranh của DN.
Tại Đồng Nai, trong 7 tháng qua, ngành gỗ cũng xuất khẩu được gần 814 triệu USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo các DN trên địa bàn tỉnh, thị trường gỗ xuất khẩu đã có sự hồi phục. Nhiều đơn vị đã gia tăng lượng đơn hàng và tập trung sản xuất để cung ứng cho các đối tác. Bên cạnh đó, thị trường nội địa dịp cuối năm cũng sẽ từng bước nhộn nhịp trở lại nên đây là thời điểm các cơ sở sản xuất gỗ chuẩn bị điều kiện để cung cấp các sản phẩm ra thị trường.
Tại Hội nghị Giao ban ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản quý III-2024 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương và Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam tổ chức, có sự tham gia của các hiệp hội gỗ của Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định..., ông Triệu Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp, nhận định những tháng cuối năm sẽ là lúc mà ngành gỗ cần bung sức.
Theo ông Lực, các đơn hàng về đồ nội thất bằng gỗ thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Đây là thời điểm thị trường nhà cửa bước vào giai đoạn hoàn thiện và sửa sang, thay đổi nội thất để đón chào năm mới. Bên cạnh đó, tại thị trường quốc tế, Việt Nam mới chỉ chiếm 6% tổng lượng thị trường. Với quy mô nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của thế giới khoảng 230 tỷ USD/năm thì các DN Việt vẫn còn nhiều cơ hội để xúc tiến mở rộng, phát triển thị phần.
Chủ động trước những biến động khó lường
Triển vọng tốt nhưng trên thực tế, những khó khăn vẫn còn đó và không loại trừ các biến động khó lường. Trước những biến động trên thế giới như hiện nay, các chuyên gia dự báo kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng 2,6%, thấp hơn mức tăng 3,1% của năm 2023. Các mặt hàng của Việt Nam, trong đó có đồ gỗ sẽ tiếp tục gặp những thách thức trước sự suy giảm cầu tiêu dùng.
Ngoài những áp lực chung của các ngành sản xuất thì gỗ còn gặp những yếu tố khác như các thị trường xuất khẩu chính của gỗ Việt Nam là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tiếp tục đối diện với các khó khăn về kinh tế và bảo hộ sản phẩm hàng hoá. Giá cước vận tải biển tăng khiến giá gỗ nguyên liệu đầu vào tăng, có những loại gỗ giá nhập vào hiện tại đã tăng 40% so với năm trước. Điều này ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm đầu ra.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, để ứng phó với vấn đề bảo hộ thương mại, ngành gỗ cần sự hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan của Chính phủ, nhất là ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu đồ gỗ chính của Việt Nam.
Ngành gỗ cũng mong muốn cơ quan chức năng có cơ chế phối hợp để cập nhật các thông tin thay đổi về chính sách tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành gỗ Việt và cung cấp các dự báo, cảnh báo và các thông tin liên quan tới phòng vệ thương mại. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm giúp các DN có nhiều hơn nữa các cơ hội giới thiệu, quảng bá hình ảnh gỗ Việt sang các thị trường xuất khẩu.
Cùng với đó, đối với các DN, việc đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất, tuân thủ quy định về môi trường, giảm thiểu phát thải ô nhiễm là câu chuyện trước mắt và cả lâu dài. Theo ông Nguyễn Phương Nam, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và dịch vụ đổi mới khí hậu KlinoVA (Hà Nội), DN cần thực hiện đánh giá rủi ro và lập kế hoạch các kịch bản, xây dựng chiến lược giảm thiểu khí nhà kính; đầu tư đổi mới sáng tạo và công nghệ; tham gia vào các dự án bù trừ carbon và thị trường carbon. Bên cạnh đó, theo dõi sát sao các thay đổi và cập nhật trong luật pháp và chính sách liên quan đến môi trường; tích cực tham gia các hội thảo, hội nghị và các sự kiện chuyên ngành để nắm bắt thông tin và xu hướng mới.
Vương Thế
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin