Với việc Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới, nền kinh tế có độ mở lớn thì câu chuyện sân chơi toàn cầu là điều bất cứ doanh nghiệp (DN) nào cũng phải tính toán tới. Ngày càng có nhiều DN Việt Nam cũng như Đồng Nai từng bước định vị được thương hiệu của mình khi làm ăn với đối tác quốc tế, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt và thương hiệu quốc gia.
“Kéo thế giới gỗ về Đồng Nai” là mục tiêu ngành gỗ Đồng Nai đang hướng tới. Trong ảnh: Doanh nghiệp gỗ Đồng Nai tham gia một triển lãm quốc tế về ngành gỗ. Ảnh: V.Gia |
Trong chiến lược phát triển của tỉnh, Đồng Nai hướng tới địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển công nghiệp theo hướng chuyên sâu, thân thiện môi trường. Điều đó đòi hỏi các DN và ngành hàng cũng phải tự tái cấu trúc phù hợp với xu thế phát triển.
Tìm cách đưa hàng Việt ra thế giới
Nhiều thương hiệu xuất thân từ Đồng Nai đã từng bước phát triển lớn mạnh, trở thành sản phẩm nhóm dẫn đầu như: ô tô Trường Hải, đường Biên Hòa, Vinacafé Biên Hòa, may Đồng Nai, may Đồng Tiến... Những thương hiệu này trải qua thời gian dài xây dựng và phát triển, liên tục cải tiến sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ đó, các sản phẩm của DN đã định vị vững chắc trên thị trường trong nước và xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới.
Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (Donagamex, ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1) là DN ngành may mặc lớn của tỉnh. Sau hàng chục năm phát triển, hiện các thị trường xuất khẩu chính của Donagamex là: Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc và Trung Quốc. Khẳng định được năng lực trong ngành may mặc, Donagamex tiếp tục đưa ra chiến lược dồn sức tối đa cho phương thức kinh doanh hàng xuất khẩu bán đứt (FOB), tiến tới thực hiện chuỗi giá trị may mặc ODM; trong đó, sẽ phát triển trước ODM cho các đối tác nội địa. Tổng công ty cũng đưa ra chiến lược phát triển kinh doanh đa ngành với định hướng chuyển dần sang công nghiệp dịch vụ, kinh doanh khu đô thị, thương mại đầu tư vào phát triển cụm công nghiệp.
Không chỉ các DN lớn có bề dày lịch sử, hiện có nhiều thương hiệu nhỏ, tầm trung của Đồng Nai cũng đã mạnh dạn chen chân vào cung ứng sản phẩm cho các đối tác nước ngoài tại Việt Nam, cũng như xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (thành phố Biên Hòa), kế hoạch dài hạn là đến năm 2030 đạt doanh thu 50 triệu USD/năm và xây dựng thêm các nhà máy mới. Đây là những điều kiện để DN phấn đấu trở thành một trong những nhà sản xuất khuôn mẫu và sản phẩm nhựa hàng đầu Việt Nam.
Theo ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar, hàng trăm mẫu đặt hàng theo yêu cầu của các nhà máy, ứng dụng trong nhiều ngành sản xuất điện máy, điện tử, đồ gia dụng đã được DN này sản xuất. Sản phẩm của Vinastar cũng xuất khẩu qua Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... Để tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Khanh cho rằng, đây còn là câu chuyện lâu dài. Từng bước khắc phục nhược điểm, mạnh dạn đăng ký tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự, quản lý cấp trung, cấp cao, nhất là những chương trình có sự hỗ trợ từ các tập đoàn lớn, đa quốc gia là điều mà DN này đang nỗ lực thực hiện.
Để phù hợp với định hướng tương lai của tỉnh, đòi hỏi các ngành sản xuất, từng DN cũng như các ngành hàng phải đổi mới, tái cấu trúc lại mô hình phát triển của mình.
Tái cấu trúc phù hợp với mô hình tăng trưởng mới
Ở cấp độ địa phương, có thời gian dài phát triển công nghiệp, từ thực tiễn của mình, Đồng Nai cũng đã tích lũy được những điều kiện để chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới. Tỉnh đặt ra tầm nhìn đến năm 2050, công nghiệp của Đồng Nai dẫn đầu cả nước với công nghiệp công nghệ cao là động lực tăng trưởng chính. Riêng giai đoạn 2025-2030, Đồng Nai phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nền tảng cho ngành công nghiệp của tỉnh bứt phá là các bước tiến trong khoa học kỹ thuật, ứng dụng mô hình công nghiệp 4.0, sản xuất thông minh, hoàn thiện toàn bộ chuỗi giá trị của các ngành nghề, lĩnh vực thế mạnh.
Gỗ là một trong những ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực hiện nay, trong xu thế phát triển mới, cộng đồng DN gỗ của Đồng Nai cũng đang tìm cách để tái cấu trúc, đầu tư cho công nghệ phù hợp với mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai Lê Xuân Quân, hướng chủ đạo là tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành gỗ. Muốn làm được điều đó, hiệp hội đang nỗ lực để kết nối, đẩy mạnh hợp tác giữa các DN nhằm có thể tự chủ, chủ động trong các khâu thiết kế sản phẩm cũng như các lĩnh vực hỗ trợ sản xuất cho ngành. Xây dựng chuỗi cung ứng hoàn thiện từ thiết kế mẫu mã, chế biến, cung ứng nguyên liệu bền vững; đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi số; xây dựng trung tâm sản xuất lớn và trung tâm triển lãm, thương mại là điều mà ngành gỗ thực hiện trong suốt thời gian qua.
Đối với từng DN, việc nắm bắt tiềm năng phát triển của địa phương để gia tăng đầu tư, đáp ứng nhu cầu thị trường là rất quan trọng.
Theo Giám đốc Công ty CP Diệp Nam Phương (Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn) Nguyễn Hữu Thật, nhận thấy tiềm năng phát triển của lĩnh vực này khi có Sân bay quốc tế Long Thành, cũng như tỉnh có hàng loạt khu công nghiệp, Diệp Nam Phương đã mạnh dạn đầu tư nhà máy sản xuất hiện đại ở Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn. Tại nhà máy này sẽ chuyên xuất - nhập khẩu và gia công chế tạo trên chất liệu thép không gỉ phục vụ cho sản xuất công nghiệp, xây dựng, y tế, thực phẩm… Đây là bước phát triển mới của DN sau 10 năm thành lập nhằm đón đầu những lợi thế trong tương lai.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin