Xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở vị trí trung tâm, chủ đạo dẫn đầu giá trị xuất khẩu trong toàn ngành công nghiệp.
Trong 7 tháng của năm 2024, ngành gỗ Đồng Nai xuất khẩu được gần 814 triệu USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: V.Gia |
Tăng trưởng xuất khẩu hồi phục song vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Việc Hoa Kỳ chưa công nhận kinh tế thị trường đối với nền kinh tế Việt Nam hay một loạt các quốc gia khác có động thái siết chặt việc kiểm soát hàng nhập khẩu là điều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cần phải lưu tâm.
Dẫn đầu giá trị xuất khẩu
7 tháng của năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ lực trong xuất khẩu với trị giá hơn 192 tỷ USD, chiếm 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7-2024, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhận định, sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ so với năm 2023 và đang có đà tiếp tục tăng trưởng tích cực. Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, đây cũng là xu hướng của Việt Nam thời gian gần đây, bởi nước ta đang thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp. Công nghiệp chế biến, chế tạo tạo tiền đề và nền tảng cho quá trình phát triển công nghiệp, hiện đại hóa đất nước. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành này cao hơn nhiều so với tăng trưởng GDP của nền kinh tế trong 5 năm gần đây.
Theo Đề án Tái cơ cấu ngành công thương của Việt Nam đến năm 2030, xuất khẩu sẽ tiếp tục được mở rộng gắn với chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa lớn và đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường. |
Tại Đồng Nai, một số ngành hàng công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực của tỉnh có tăng trưởng giá trị xuất khẩu cao. Trong tháng 7, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng và trong xu hướng phục hồi, các DN có thêm đơn hàng sản xuất mới, thị trường xuất khẩu thuận lợi, thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước khá ổn định. Tính chung 7 tháng của năm 2024, có 26/27 ngành sản xuất có chỉ số sản xuất tăng.
Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Đồng Nai đạt gần 13,3 tỷ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm 2023. Một số mặt hàng chủ lực tăng khá như: sản phẩm gỗ tăng 12,6%; hàng dệt may tăng hơn 3%; máy vi tính 10,8%; xơ, sợi 5,6%; máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng 4,6%…
Theo Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Cường, sản xuất, xuất khẩu đang hồi phục và tăng trưởng. Để hỗ trợ DN, Đồng Nai đã tổ chức cũng như đăng ký cho nhiều DN tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm thị trường.
Ông Cường đánh giá các hội chợ triển lãm, giao thương nước ngoài đã được các DN tham gia một cách thực chất. Từ đó, DN có thêm cơ hội kinh doanh, bán hàng, mua hàng cũng như tìm đối tác đầu tư từ thị trường nước ngoài.
Bám sát thị trường để ứng phó các thách thức
Dù xuất khẩu tăng trưởng cao nhưng nhìn chung những biến động phía trước còn nhiều. Cùng với những diễn biến mới nhất về địa chính trị, xung đột trên thế giới ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu nói chung, các DN cũng cần phải tìm cách thích nghi với những quy tắc, quy định, rào cản thương mại.
Trong đó, việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường cũng là một trong những vấn đề cần lưu ý. Việt Nam đã có 73 quốc gia công nhận là nền kinh tế thị trường nhưng quốc gia Việt Nam xuất khẩu giá trị nhiều nhất là Hoa Kỳ lại chưa công nhận. Khi chưa được công nhận, hàng hóa vào thị trường lớn nhất thế giới đã, đang và sẽ còn chịu những hạn chế, rào cản lớn.
Hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp. Chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ 3 để tính toán biên độ bán phá giá. Thực tế, 6 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ cũng là nước khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, với 11 vụ việc.
Ngành gỗ là một trong những ngành có giá trị xuất khẩu lớn của Đồng Nai và đang đối mặt với những rào cản thương mại. Bên cạnh nỗ lực của từng DN thì thời gian vừa qua, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai đã cố gắng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo phổ biến kiến thức cho DN.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tân Vĩnh Cửu Võ Quang Hà, hiệp hội mong muốn thông qua các hội thảo, DN nắm được những thông tin quan trọng về phòng vệ thương mại, cách thức xử lý, ứng phó để bảo vệ quyền lợi của mình, từ đó nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Bên cạnh vấn đề nêu trên, các DN cần tính toán đường dài để có thể đáp ứng các quy chuẩn, kiểm soát thị trường từ nước nhập khẩu. Đặc biệt là thị trường Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị có một loạt đạo luật liên quan tới vấn đề sinh thái. Thị trường này cũng sẽ kiểm tra chặt chẽ về nguồn gốc sản phẩm; đánh thuế đối với phát thải carbon những mặt hàng mà nước khác xuất khẩu vào EU…
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin