Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo dựng cộng đồng doanh nghiệp sản xuất bền vững

Văn Gia
07:30, 22/07/2024

Đồng Nai xác định, tham gia vào hội nhập kinh tế thế giới thì phải đáp ứng được những “chuẩn mực mới” về sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp (DN) Việt muốn giữ được thị phần ở thị trường nội địa và xuất khẩu phải liên kết tạo dựng cộng đồng sản xuất theo chuỗi bền vững.

Ứng dụng máy móc công nghệ mới vào sản xuất gỗ tại Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (thành phố Biên Hòa). Ảnh:V.Gia
Ứng dụng máy móc công nghệ mới vào sản xuất gỗ tại Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (thành phố Biên Hòa). Ảnh:V.Gia

Theo UBND tỉnh, quy mô kinh tế của Đồng Nai khoảng 10 tỷ USD, trong đó công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn. Hiện toàn tỉnh có hơn 54 ngàn DN trên các lĩnh vực. Vấn đề đặt ra cho các DN trong xu thế hội nhập là sử dụng nguyên liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng, ít phát thải... Tuy nhiên, muốn hiện thực được các yêu cầu trên cần quyết tâm của DN, chính sách của Nhà nước đến sự “cộng sinh” hợp tác giữa các DN trong cộng đồng lớn và nhất là gầy dựng nên hệ sinh thái DN xanh, thị trường xanh.

Yêu cầu bắt buộc

Chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững là một trong những hành động cụ thể được các quốc gia trên thế giới đưa ra nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính xuống còn dưới 45%.  Xu thế này đang dần hình thành “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư trên bình diện toàn cầu. Các yêu cầu về xanh hóa ngày càng được cụ thể hóa qua các chính sách mang tính định lượng của các nước nhập khẩu thông qua các sắc thuế, chính sách với nhà sản xuất, thuế xử lý chất thải, khí thải…

Theo các chuyên gia kinh tế, việc đầu tư cho sản xuất sạch có thể tốn kém trước mắt nhưng thương hiệu, doanh nghiệp nào cam kết đầu tư một cách chuyên nghiệp sẽ có cơ hội nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tín nhiệm từ người tiêu dùng về lâu dài.

Vì thế, DN theo đuổi sản xuất xanh là nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, cơ hội duy trì sản xuất, bán hàng ra quốc tế. Khi DN có sản phẩm xanh sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu hơn.

Từ năm 2020, Đồng Nai đã ban hành kế hoạch sản xuất sạch hơn hàng năm để phát triển mô hình sản xuất bền vững. Tỉnh cũng thực hiện  kế hoạch hỗ trợ DN sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; đổi mới thiết bị và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đổi mới công nghệ, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, tạo ưu thế cạnh tranh và góp phần bảo vệ môi trường. Các DN, tập đoàn lớn đang có sự chủ động nhanh hơn so với khối DN nhỏ và vừa trong tiến trình tham gia vào sản xuất xanh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhiều lần nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là xu hướng của toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam. Đồng Nai đang tiên phong thực hiện đề án giảm thiểu khí carbon trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hiện thực hóa net zero theo cam kết của Chính phủ tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 và 28 (COP26 và COP28). Đây cũng là con đường phát triển kinh tế bền vững.

Xây dựng hệ sinh thái sản xuất bền vững

Hiện nay, để phục hồi, mở rộng sản xuất, DN cần liên kết, cộng sinh, hình thành hệ sinh thái.

Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Thế Linh (thành phố Biên Hòa).
Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Thế Linh (thành phố Biên Hòa).

Ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc Nhà máy Nestlé Trị An ở Khu công nghiệp Amata (thành phố Biên Hòa), cho hay chuyển đổi số là một trong 3 trụ cột trong chiến lược kinh doanh trung hạn đến năm 2025 và xa hơn của Nestlé. Mục tiêu là để sản xuất tuần hoàn, giảm phát thải, tăng năng suất, chất lượng, tiến đến phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Nhà máy đi đầu trong chuyển đổi số, sản xuất tuần hoàn nên gặp nhiều thách thức về thay đổi cơ sở hạ tầng, tư duy tiếp cận giải pháp mới.

“Muốn thành công, mỗi DN có thể bắt đầu từ những bước nhỏ, đào tạo đội ngũ để làm quen và làm chủ công nghệ mới. Chia sẻ thông tin và mô hình thành công từ thực tiễn cũng rất cần thiết để học hỏi lẫn nhau. Nestlé cam kết chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn để đồng hành cùng tỉnh Đồng Nai trong chiến lược chuyển đổi số, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của ngành công nghiệp của tỉnh” - ông Phương cho biết.

Gần đây, cộng sinh công nghiệp cũng là phương án để các DN có thể kết nối lại với nhau và đây là tiêu chí bắt buộc khi chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái. Theo ông Nguyễn Hữu Nghị, Giám đốc cấp cao Phòng Công trường, Khu công nghiệp Amata thì Amata đã bước đầu kết hợp các nhà máy sản xuất gỗ cung cấp phôi bào, mùn cưa cho nhà máy sản xuất viên nén và sản phẩm viên nén được bán cho những nhà máy khác trong khu công nghiệp để phục vụ sản xuất…

Theo PGS-TS Đặng Xuân Cường, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, để chính sách được thực hiện thành công thì cần phải được thể hiện qua thực tiễn, DN cần phải được liên kết với nhau. Địa phương cần tạo môi trường thông thoáng nhất hấp dẫn DN. Ông Cường khuyến nghị tỉnh cần tăng cường chính sách hỗ trợ DN ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, áp dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất, đồng thời đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, loại bỏ các dự án ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, sử dụng rác thải và phế phẩm thành sản phẩm giá trị cao hơn.

  Văn Gia

Tin xem nhiều