Trong thời gian qua, nhiều sản phẩm thế mạnh, đặc sản địa phương đã được kết nối để đưa vào các kênh bán lẻ, lên sàn thương mại điện tử… Nhưng nhìn chung, hoạt động này mới chỉ mang lại hiệu quả về quảng bá, giới thiệu sản phẩm là chủ yếu.
Người tiêu dùng tham khảo, chọn mua các sản phẩm của Đồng Nai tại khu vực bày bán các sản phẩm OCOP tại một siêu thị ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân |
Trong khi đó, vấn đề phát triển kênh tiêu thụ, nâng cao doanh thu từ sản phẩm vẫn còn là câu hỏi chưa dễ trả lời. Đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đang gặp nhiều khó khăn khi đưa vào các kệ hàng bán lẻ, do còn đơn lẻ, thiếu tính đa dạng sản phẩm, thiếu kinh phí tiếp thị...
Cần đánh trúng tâm lý người tiêu dùng
Hiện nay, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Đồng Nai như: Co.opmart Biên Hòa, BigC Đồng Nai, GO! Tân Hiệp, Lotte Mart Đồng Nai… đã bố trí các gian hàng dành riêng cho đặc sản của các địa phương trên cả nước, trong đó có các sản phẩm OCOP của Đồng Nai. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương liên quan đã triển khai xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở một số khu du lịch, Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất).
Tại nhiều điểm bán, kệ hàng sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương ở các siêu thị, các sản phẩm OCOP địa phương dù được trưng bày ở những vị trí khá đẹp, gần lối ra vào nhưng đa phần nhằm quảng bá, giới thiệu, còn sức mua vẫn khiêm tốn.
Theo nhiều chuyên gia, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP tại các điểm bán hàng ở siêu thị, chợ còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều sản phẩm OCOP chưa đánh trúng tâm lý người tiêu dùng, khách du lịch. Các chủ thể OCOP thiếu các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Nhiều sản phẩm OCOP dù đã lên kệ hàng nhưng mục đích chủ yếu vẫn là để quảng bá, giới thiệu sản phẩm…
Chị Thu Thủy (ngụ phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, chị thường tìm mua các đặc sản địa phương. Hiện nay, nhiều siêu thị đã bố trí các kệ hàng dành riêng cho sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền. Tuy nhiên, các sản phẩm ở Đồng Nai vẫn chưa thực sự đa dạng, nhiều lựa chọn; chủ yếu tập trung vào nông sản sấy, bột ca cao, trà hạt sen…
“Hơn thế nữa, các sản phẩm này thường ít có các chương trình khuyến mãi, kể cả vào dịp Tết, nên giá thường “chênh” hơn các sản phẩm cùng loại. Điều này ít nhiều chịu thiệt hơn khi người tiêu dùng suy tính để chọn mua sản phẩm, dù rằng nhiều sản phẩm OCOP của Đồng Nai đã chú trọng đầu tư vào nhãn hiệu, bao bì sản phẩm khá bắt mắt” - chị Thu Thủy cho biết thêm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian gần đây, các kênh bán hàng online đã thích ứng và khai thác tốt nhu cầu mua sắm kết hợp giải trí của người tiêu dùng. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục “nở rộ” trong thời gian tới với sự đầu tư đa kênh, đa nội dung của những người bán hàng live stream.
Nâng cao tính nhận diện, “độ phủ” cho sản phẩm
Đại diện nhiều siêu thị trên địa bàn tỉnh cho biết, để có thể cạnh tranh và thu hút sự chú ý trên các kệ hàng siêu thị, các sản phẩm địa phương không những cần đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, mà còn cần chú trọng nhiều hơn tới khâu tiếp thị, khuyến mãi, hậu mãi… để người tiêu dùng biết đến và sử dụng sản phẩm nhiều hơn, qua đó nâng cao sức hút, sức cạnh tranh trên kệ hàng.
Kết quả khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố năm 2024 cho thấy, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế trong việc cung ứng hầu hết các loại sản phẩm tiêu dùng do sức hút về chất lượng, giá cả, đặc biệt là sự thuận tiện hay sự thân thiện của người bán. Bên cạnh đó, thói quen mua sắm online cũng được duy trì và tiếp tục gia tăng.
Đây là những yếu tố mà các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chủ thể OCOP của địa phương cần lưu ý để hiểu và nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, qua đó kịp thời có những giải pháp, kế hoạch phát triển dài hơi, đánh trúng thị hiếu ngày càng có nhiều thay đổi của người tiêu dùng trong thời đại các kênh phân phối, bán lẻ ngày càng mở rộng, thương mại điện tử trở nên phổ biến.
Qua các đợt làm việc với những địa phương trong tỉnh về phát triển tình hình công nghiệp, thương mại trong thời gian vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng thường xuyên lưu ý đến việc tháo gỡ khó khăn về phát triển thị trường, mở rộng các kênh kết nối đối với các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP của địa phương.
Trong đó, các địa phương, sở, ngành liên quan cần tăng cường phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để đảm bảo số lượng, chất lượng theo tiêu chuẩn kênh tiêu thụ, bán lẻ hiện đại; tăng cường các hoạt động hỗ trợ kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm địa phương, cũng như nâng cao hiệu quả từ việc kết nối với các kênh thương mại điện tử…
Hải Quân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin