Báo Đồng Nai điện tử
En

Sắp xử phạt hành vi không phân loại rác sinh hoạt tại nguồn

Hoàng Lộc
08:17, 23/07/2024

Còn hơn 5 tháng nữa, quy định xử phạt hành chính về hành vi không phân loại rác sinh hoạt (RSH) tại nguồn sẽ có hiệu lực. Mức phạt cao nhất là 1 triệu đồng/lần.

Người dân thành phố Biên Hòa đổi chất thải lấy quà tặng tại Ngày Môi trường thế giới năm 2024 tổ chức
tại công viên Dương Tử Giang. Ảnh: H.Lộc
Người dân thành phố Biên Hòa đổi chất thải lấy quà tặng tại Ngày Môi trường thế giới năm 2024 tổ chức tại công viên Dương Tử Giang. Ảnh: H.Lộc

Là địa phương đi đầu cả nước trong triển khai phân loại rác tại nguồn nhưng đến nay, hoạt động phân loại RSH tại nguồn ở tỉnh vẫn còn khiêm tốn. Hy vọng quy định xử phạt sẽ góp phần cải thiện tỷ lệ rác thải được phân loại.

Phạt 1 lần bằng đóng phí 2 năm

Ngày 1-1-2025 là thời gian chậm nhất áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ban hành ngày 7-7-2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Đối với rác thải sinh hoạt, nghị định này quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại RSH và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định thì bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Như vậy, phân loại RSH không phải là khuyến khích mà là quy định bắt buộc thực hiện. Trường hợp không thực hiện, mức phạt một lần có thể bằng chi phí đóng tiền thu gom rác của 2 năm.

Về nguyên tắc phân loại, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định chất thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân thành: rác có khả năng tái chế, chất thải thực phẩm, chất thải sinh hoạt khác, chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh. Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị, rác sau khi phân loại phải lưu giữ từng loại vào bao bì riêng và chuyển giao cho các tổ chức cá nhân có chức năng thu gom. Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, rác sau phân loại khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm làm phân bón, thức ăn chăn nuôi; chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chỉ bàn giao chất thải khác cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.

Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ban hành ngày 7-7-2022 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không phân loại RSH tại nguồn; phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng khi vứt, bỏ rác thải không đúng nơi quy định; phạt tiền từ 1-2 triệu đồng khi vứt, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị…

Trên địa bàn Đồng Nai phát sinh nhiều rác thải sinh hoạt. Từ năm 2008, UBND tỉnh đã tiên phong cho thí điểm, sau đó mở rộng hoạt động phân loại RSH tại nguồn nhằm tận dụng giá trị kinh tế từ chất thải, giảm lượng chất thải phải xử lý, giảm ô nhiễm môi trường, nhưng hiệu quả còn khiêm tốn. Theo UBND tỉnh, có gần 50% hộ dân toàn tỉnh đăng ký thực hiện và 51% tổng lượng RSH được phân loại tại nguồn.

Một số lý do khiến phân loại RSH của tỉnh đạt hiệu quả thấp là hạ tầng trạm trung chuyển, điểm tập kết rác còn thiếu, chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng và môi trường. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại, bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định nhiều nơi chưa tốt. Phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải chưa đáp ứng yêu cầu; người dân đã phân loại rác nhưng không thu gom riêng biệt, dẫn đến không tiếp tục phân loại nữa. Chưa áp dụng quy định xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn. Phần lớn RSH là rác hữu cơ, được xử lý bằng phương pháp tạo mùn phân bón vi sinh, nhưng đầu ra cho loại phân bón này thiếu ổn định, rất khó tiêu thụ...

Cần ý thức trách nhiệm của cộng đồng

Phân loại RSH là yêu cầu bắt buộc, việc này không chỉ giúp giảm chi phí xử lý chất thải, tiết kiệm đất chôn lấp, mà còn tận dụng khối lượng lớn chất thải có khả năng tái chế để làm phân bón hoặc nguyên liệu cho ngành sản xuất khác. Thế nhưng, qua hơn 15 năm triển khai thực hiện, việc phân loại RSH tại nguồn ở tỉnh vẫn chưa hiệu quả.

Tại Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do UBND tỉnh ban hành cuối năm 2023 đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục hoạt động này. Đó là yêu cầu địa phương rà soát, bố trí quỹ đất, nguồn vốn đầu tư các trạm trung chuyển, điểm tập kết rác thải. Tiếp tục cho vay ưu đãi đối với các công trình, dự án và tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là RSH. Cho nâng giá dịch vụ thu gom rác thải lên khoảng 30%.

Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Đặng Minh Đức cho rằng, việc làm đầu tiên và quan trọng nhất là nâng cao ý thức cho tất cả người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về ý nghĩa của hoạt động phân loại RSH. Đồng thời, cung cấp cho người dân cách thức, phương tiện để phân loại RSH một cách dễ dàng nhất. Tiếp đến là đồng bộ tất cả các khâu từ phân loại, thu gom, xử lý, tái chế RSH.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường cho hay, phân loại RSH là việc Nhà nước và nhân dân phải cùng làm. Khi đã tuyên truyền, hướng dẫn, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật về trạm trung chuyển, điểm tập kết mà người dân vẫn không thực hiện thì áp dụng xử phạt theo quy định của pháp luật. Đối với tổ chức, cá nhân làm dịch vụ môi trường đã được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, được nâng giá dịch vụ thu gom rác thải mà chậm đổi mới phương tiện vận chuyển, công nghệ xử lý để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường cũng phải xử phạt.

Đầu năm 2024, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Công thương, Sở Giáo dục và đào tạo đã ký kết chương trình phối hợp thực hiện Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trọng tâm là đẩy mạnh truyền thông hoạt động phân loại rác thải tại nguồn. Cũng đầu năm nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai mô hình dân vận khéo Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế để bảo vệ môi trường; tiết kiệm tài nguyên, chống rác thải nhựa; gây quỹ hoạt động, xây dựng quỹ an sinh xã hội.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều