Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa cùng với các tổ chức quốc tế cam kết sẽ phối hợp triển khai nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam. Mục tiêu là hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là tiêu chí trong phát triển nông nghiệp nhiều quốc gia trên thế giới hướng đến.
Việt Nam là nước sản xuất, xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới nên tham gia vào nông nghiệp tuần hoàn sẽ tăng khả năng cạnh tranh với hàng hóa cùng loại đến từ các nước khác.
Theo các chuyên gia kinh tế, vài năm trở lại đây, ngành nông nghiệp trong nước đã bắt đầu chú trọng đến sản xuất tuần hoàn, giảm phát thải, nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Ví dụ như cây trồng hàng năm sau khi thu hoạch, phụ phẩm chủ yếu là thân cây có đến gần một nửa bị đốt hoặc bỏ tại ruộng. Phần còn lại được sử dụng làm thức ăn cho gia súc, ủ làm phân bón và tái chế. Với phụ phẩm và chất thải trong chăn nuôi, các trang trại xử lý hơn 96%. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xử lý chất thải trong chăn nuôi được gần 50%... Nếu tất cả các phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi được tái chế tạo thành mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn sẽ giúp nâng cao giá trị cho ngành nông nghiệp.
Với một nước xuất khẩu nông sản lớn như Việt Nam, nông nghiệp tuần hoàn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu tốt hơn, bởi các nước nhập khẩu nông sản ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng hàng hóa. Trong đó, nhiều nước đặt ra hàng rào kỹ thuật là sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc, có lộ trình giảm phát thải, sử dụng nguyên liệu tái chế…
Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm sản của Việt Nam đạt 16,64 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy, ngành nông nghiệp Việt Nam còn nhiều cơ hội để mở rộng xuất khẩu nếu sản xuất bền vững.
Đồng Nai có ngành chăn nuôi, trồng trọt phát triển xếp vào tốp đầu của cả nước. Trong đó, riêng cây lâu năm gần 170 ngàn hécta; đàn heo hơn 2,2 triệu con, đàn gia cầm gần 24,3 triệu con. Sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, đa số nông sản được xuất khẩu thô và phải qua khâu trung gian, ít loại sản phẩm xây dựng được thương hiệu riêng để xuất khẩu trực tiếp. Vì thế, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là nền móng vững chắc để các nhà vườn, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu cho xuất khẩu. Nông sản xuất khẩu thuận lợi sẽ giúp các nhà vườn có thu nhập ổn định, từ đó an tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp bền vững.
Khánh Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin