Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp Việt khó vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Khánh Minh
22:26, 17/07/2024

Gần 5 năm qua, các tập đoàn đa quốc gia đã bắt tay nhau để phân bố lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó có những chuỗi cung ứng đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc đến các quốc gia thuộc Asean. Việt Nam là một trong những nước đã đón được “làn sóng” dịch chuyển trên. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp (DN) Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn rất ít.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), Việt Nam hiện có gần 1 triệu DN, nhưng chỉ có khoảng 5 ngàn DN tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong số đó, chỉ hơn 100 DN là nhà cung ứng cấp 1, còn lại đều là nhà cung ứng những công đoạn đơn giản. Sau gần 40 năm phát triển DN, số DN Việt có năng lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu quá ít ỏi, chỉ khoảng 0,5%.

Từ những số liệu trên cho thấy, Việt Nam đã có hơn 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng việc chuyển giao công nghệ và kết nối chưa cao. Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), đến ngày 20-6-2024, Việt Nam thu hút được 40.544 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 484,8 tỷ USD, đến từ 146 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các DN FDI đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế của Việt Nam nhưng vốn đa số rót vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đồng Nai thu hút FDI rất sớm. Đến nay, tỉnh có gần 1,66 ngàn dự án FDI với tổng vốn đăng ký 34,71 tỷ USD. Nhiều năm qua, tỉnh đã tổ chức các đợt xúc tiến thương mại tại chỗ để DN FDI và DN Việt gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác cung ứng sản phẩm cho nhau. Qua các đợt xúc tiến thương mại tại chỗ, một số DN Việt đã trở thành đối tác cung ứng sản phẩm đầu vào cho DN FDI, nhưng số lượng còn hạn chế.

Nhiều tập đoàn FDI tại Đồng Nai cho biết, khoảng 4-5 năm trở lại đây, DN đã tăng tìm nguồn nguyên liệu trong nước để giảm bớt nhập khẩu, chủ động được sản xuất, đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Như vậy, khi xuất khẩu hàng hóa vào những nước Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do, DN sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Thế nhưng, hàng hóa của DN Việt chưa đa dạng về mẫu mã, chất lượng chưa đảm bảo, không đáp ứng được số lượng lớn, giá còn cao. Đây chính là lý do khiến nhiều DN Việt chưa thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, DN Việt phải ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để có sản phẩm chất lượng cao, số lượng lớn, mẫu mã phong phú. Đồng thời, phải đáp ứng các tiêu chí về sản xuất xanh, tuần hoàn.

Khánh Minh

Tin xem nhiều