Trong tiến trình tiến đến net zero, năng lượng tái tạo đóng vai trò rất quan trọng vì đây là nguồn năng lượng sạch đang được nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới sử dụng để thay thế năng lượng truyền thống từ than đá, dầu…
Việt Nam đã cam kết theo lộ trình giảm dần phát thải khí nhà kính và đến năm 2050 đạt net zero. Theo đó, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp tại Đồng Nai cũng như cả nước đều ban hành kế hoạch tham gia vào sản xuất xanh, tuần hoàn để giảm phát thải.
Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo từ điện mặt trời áp mái nhà, điện gió, điện rác. Tuy nhiên, muốn phát triển được năng lượng tái tạo, Việt Nam phải đảm bảo 3 trụ cột chính là thể chế, hạ tầng và nhân lực. Cả 3 lĩnh vực này tại Việt Nam đang còn những điểm “nghẽn” phải đợi Chính phủ tháo gỡ để phát triển. Trong đó, quan trọng nhất là thể chế, cần sớm được ban hành và chi tiết, đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư trong, ngoài nước tham gia đầu tư các dự án lớn về năng lượng tái tạo.
Do tốc độ phát triển kinh tế nhanh, từ năm 2020, Việt Nam đã thiếu năng lượng phải nhập khẩu. Do đó, muốn phát triển nhanh và bền vững, cần chủ động năng lượng tái tạo cho các ngành. Đặc biệt là những tỉnh, thành có công nghiệp phát triển như: Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh…, nhu cầu cần nguồn năng lượng tái tạo cấp thiết hơn. Bởi hiện nay, nhiều nhãn hàng quốc tế đòi hỏi các nhà máy sản xuất phải có lộ trình tham gia vào sản xuất xanh, tuần hoàn và sử dụng năng lượng tái tạo là một trong những yêu cầu đầu tiên trong sản xuất xanh, tuần hoàn. Vì thế, những doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa hoặc nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu buộc phải có kế hoạch sử dụng nguyên liệu tái chế, năng lượng tái tạo, chuyển đổi máy móc thiết bị hiện đại để cắt giảm khí thải.
Trong cuộc đua giành thị phần tại những thị trường lớn trên thế giới như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…, doanh nghiệp nào đi trước về sản xuất xanh sẽ có lợi thế cạnh tranh. Các nhãn hàng quốc tế ưu tiên đặt hàng từ các nhà máy sản xuất xanh, tuần hoàn.
Đồng Nai thuộc tốp đầu các tỉnh, thành trên cả nước về sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa nên nhu cầu về năng lượng tái tạo rất lớn. Tỉnh đang có kế hoạch mở mới, mở rộng hơn 10 khu công nghiệp; trong vài năm tới, nguồn năng lượng tái tạo cần cho sản xuất sẽ tăng nhanh. Thời gian qua, nhiều tập đoàn trong và ngoài nước muốn đầu tư điện mặt trời áp mái nhà nhưng vì vướng về cơ chế, hạ tầng nên buộc phải chờ đợi. Những vướng mắc trên nếu chậm tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến phát triển và tăng trưởng xanh của Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác trên cả nước.
Hương Giang
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin