Đến nay, tỷ lệ hộ dân ở vùng nông thôn của Đồng Nai sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung (CNTT) mới đạt 39%. Theo đó, tỉnh đang tìm cách để tăng tỷ lệ các hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước sạch. Mục tiêu của Đồng Nai là đến năm 2025, tỷ lệ số dân được sử dụng nước sạch đạt 85%. Để hoàn thành mục tiêu trên, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh cần gần 1,7 ngàn tỷ đồng đầu tư xây dựng mới, đấu nối nguồn nước, mở rộng phạm vi cấp nước từ các công trình cấp nước mặt trên địa bàn tỉnh cho khu vực nông thôn. Nguồn vốn trên sẽ huy động từ ngân sách tỉnh, địa phương, xã hội hóa.
Đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư 91 công trình CNTT ở vùng nông thôn nhưng chỉ có 57 công trình hoạt động, còn 34 công trình dừng hoạt động. Vì thế, các công trình trên chỉ khai thác được hơn 30% công suất, hoạt động chưa hiệu quả. Nguyên nhân là do giá nước sạch từ công trình CNTT nông thôn cao hơn nước sạch đô thị; nhiều hộ gia đình có thói quen tự đào giếng, khoan giếng để lấy nước sinh hoạt, sản xuất. Có những hộ dân chỉ sử dụng nước sạch vào mùa khô, khi nguồn nước ngầm hiếm, còn mùa mưa sẽ sử dụng nước mưa và nước ngầm…
Các lý do trên khiến cho việc huy động các nguồn lực đầu tư vào các công trình CNTT vùng nông thôn khó khăn. Vì nhiều doanh nghiệp ngại khi đầu tư hệ thống nước sạch, người dân chỉ sử dụng mùa khô, mùa mưa ít sử dụng sẽ không đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, tại một số vùng thuộc thành phố Long Khánh, huyện Trảng Bom còn để xảy ra tình trạng đã đầu tư hệ thống CNTT nhưng vẫn tồn tại công trình khai thác nước dưới đất cấp cho dân. Việc này ảnh hưởng đến công suất khai thác nước sạch của cả hai công trình và không đảm bảo quy định về giảm khai thác nước ngầm và tăng sử dụng nước mặt.
Từ ngày 18-3-2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 673/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đề ra mục tiêu, giải pháp cho từng địa phương trong đầu tư nâng cao tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn sử dụng nước sạch. Đề án đã thực hiện được 2/3 thời gian, nhưng tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch từ công trình CNTT còn ít, nhiều công trình CNTT hoạt động chưa hiệu quả, việc xây dựng công trình mới, đấu nối mở rộng hệ thống nước sạch đô thị về nông thôn còn chậm. Để khắc phục những hạn chế trên, các sở ngành, địa phương liên quan cần rà soát lại các công trình CNTT trên địa bàn, đề xuất UBND tỉnh có cơ chế, chính sách phù hợp để quản lý, khai thác hết công suất của các công trình CNTT. Về phía người dân khi có hệ thống nước sạch về tới nơi nên sử dụng để đảm bảo sức khỏe.
Khánh Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin