Nhằm tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) và một số luật khác, Đồng Nai vừa tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến đóng góp cho các dự thảo luật để có ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Thuế giá trị gia tăng tác động trực tiếp đến các mặt hàng tiêu dùng. Trong ảnh: Khu trưng bày hàng hóa nông sản tại một siêu thị ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: N.Liên |
Trên cơ sở Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi đang được lấy ý kiến công khai, một số vấn đề quan trọng được dư luận quan tâm đã được Cục Thuế Đồng Nai đề xuất, có ý kiến.
* Thay đổi ngưỡng doanh thu, nhóm hàng hóa chịu thuế GTGT
Một trong những nội dung mới được nhiều người quan tâm là việc nâng mức doanh thu không chịu thuế GTGT của hộ, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu đồng trở xuống theo quy định hiện hành lên 150 triệu đồng như đề xuất dự thảo luật.
Bên cạnh nâng mức doanh thu chịu thuế GTGT, việc thay đổi thuế suất của một số loại hàng hóa, dịch vụ từ không chịu thuế sang chịu thuế 5% cũng là mối quan tâm của nhiều người. Nổi bật là đề xuất chuyển một số hàng hóa, nhóm hàng hóa không chịu thuế GTGT sang chịu thuế suất GTGT 5% gồm: mặt hàng phân bón; tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Đồng Nai là địa bàn phát triển khá mạnh các ngành nông, lâm nghiệp. Hàng năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành nông, lâm nghiệp của Đồng Nai cao hơn bình quân chung cả nước và đứng thứ 3 trong vùng Đông Nam Bộ, đóng góp gần 10% giá trị trong tổng GRDP toàn tỉnh. Do đó, những thông tin liên quan đến phân bón luôn được người dân quan tâm.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi đang lấy ý kiến được đánh giá có nhiều điểm mới, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu. Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi sau khi được thông qua sẽ góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, chống thất thu và nợ thuế; đồng thời, bảo đảm sự ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước trên cơ sở thu đúng, thu đủ. |
Ông Trần Văn Chiến, chủ một cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp tại huyện Định Quán, cho hay thông tin về áp dụng thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón được nhiều nông dân quan tâm. Theo ông Chiến, những năm gần đây, giá cả thị trường mặt hàng phân bón tại một số thời điểm chưa ổn định. Đặc biệt là vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng vẫn trà trộn, gây khó khăn cho nông dân. Nhiều nông dân kỳ vọng Nhà nước sớm có chính sách quản lý, kiểm soát mặt hàng phân bón chặt chẽ, bảo đảm ổn định giá thành và chất lượng phân bón, giúp nông dân yên tâm sử dụng, chăm sóc để tăng năng suất cho vườn cây.
Ngoài ra, đề xuất nâng mức thuế suất GTGT từ 5% sang 10% đối với các hàng hóa, nhóm hàng hóa: lâm sản chưa qua chế biến; đường; phụ phẩm trong sản xuất đường (rỉ đường, bã mía, bã bùn); các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học; hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim, hay đề xuất quy định hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có hóa đơn từ 5 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thay vì trên 20 triệu đồng như hiện nay… đang là những vấn đề được người dân, doanh nghiệp quan tâm tại Dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi lần này.
* Để chính sách thuế đi vào cuộc sống
Để Dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi đi vào cuộc sống, Cục Thuế Đồng Nai đã tổng hợp và đề xuất những nội dung đóng góp cho dự thảo luật.
Cụ thể, đối với quy định đối tượng không chịu thuế chuyển quyền sử dụng đất, Cục Thuế Đồng Nai kiến nghị quy định cụ thể đối tượng không chịu thuế là chuyển quyền sử dụng đất đối với cá nhân (đã đóng góp ngân sách nhà nước 2% thuế thu nhập cá nhân); các trường hợp còn lại phải chịu thuế GTGT.
Hay như quy định đối tượng không chịu thuế đối với vàng dạng thỏi, miếng chưa được chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ, đồ trang sức hay sản phẩm khác ở khâu nhập khẩu, ngành thuế kiến nghị sửa đổi lại cách xác định nghĩa vụ thuế của loại sản phẩm này để có sự nhất quán, phù hợp với nguyên tắc tính thuế GTGT. Bởi theo Cục Thuế Đồng Nai, vàng lưu thông trong nước là đối tượng chịu thuế GTGT, như vậy không nhất quán trong các khâu nhập khẩu, sản xuất, lưu thông, trái với nguyên tắc tính thuế GTGT. Điều này cũng cần thiết trong chỉ đạo hiện nay về chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng. Bên cạnh đó, vàng vẫn là loại nguyên vật liệu bình thường, ngoài sản xuất trang sức, vàng còn dùng trong sản xuất công nghiệp nên cần thiết phải tính thuế GTGT như mọi loại hàng hóa là nguyên vật liệu…
Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai Nguyễn Quốc Trị cho biết, các quy định về khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào dưới hình thức ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác mà hóa đơn mang tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền thực hiện theo quy định của Chính phủ; các trường hợp hoàn thuế; thuế GTGT đầu ra, đầu vào được khấu trừ trong giai đoạn chuyển tiếp đối với các trường hợp bị sáp nhập do cơ cấu lại tập đoàn, doanh nghiệp chế xuất và ngược lại… cũng được ngành thuế nghiên cứu và có những ý kiến, đề xuất sát với thực tế.
Cũng theo ông Trị, Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi so với Luật thuế GTGT hiện nay, ngoài chuẩn hóa nội dung, kết cấu; bổ sung, thay đổi một số điểm chính mà xã hội đang quan tâm như: chỉ một số dịch vụ được áp dụng thuế suất 0%, phân bón từ không chịu thuế sang chịu thuế suất 5%; hoàn thuế đối với hoạt động kinh doanh đầu ra 5% đầu vào 10% như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thú y… thì kết cấu vẫn là luật khung. Do đó, ngành thuế Đồng Nai đã nghiên cứu và bám sát từng nội dung để góp ý, bảo đảm các quy định, yêu cầu đã đề ra.
Ngọc Liên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin