(ĐN)- Ngày 14-5, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hội thảo góp ý dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu (thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP).
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Vi Lâm |
Hội thảo thu hút hơn 200 doanh nghiệp đến từ các địa phương. Con số này cao gấp đôi so với lượng giấy mời do VCCI phát ra, cho thấy các doanh nghiệp quan tâm tới những nội dung sửa đổi trong nghị định kinh doanh xăng dầu mà Bộ Công thương đang triển khai.
Doanh nghiệp cần động lực kinh doanh
Tại hội thảo, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu nhận được sự quan tâm, chú ý rất lớn. Quản lý xăng dầu luôn là bài toán khó, phải cân bằng nhiều lợi ích. Do đó, soạn thảo nghị định kinh doanh xăng dầu bị áp lực không nhỏ, chưa kể còn quá nhiều mục tiêu đặt ra trong việc xây dựng nghị định này.
“Những can thiệp hành chính đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu chỉ là giải pháp tình thế. Còn động lực thị trường mới là bền vững nhất, công tác quản lý cần theo hướng này” - ông Tuấn nói.
Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Vi Lâm |
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, mục tiêu cao nhất sau sửa đổi phải theo hướng tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp, “nuôi dưỡng” được doanh nghiệp. Trên hết, một nghị định tốt phải tạo được động lực cho tất cả các chủ thể.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược của mỗi quốc gia, nên phải có cơ chế đặc thù trong việc tiếp cận sửa đổi nghị định. Đặc biệt, nghị định này còn tác động đến nhiều ngành hàng khác và cả nền kinh tế chứ không riêng gì lĩnh vực xăng dầu.
Phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) Trịnh Quang Khanh nêu quan điểm, trong bối cảnh hiện nay cần thiết phải xây dựng nghị định kinh doanh xăng dầu mới. Trước đây đã có 4 nghị định về điều kiện kinh doanh xăng dầu nhưng vẫn còn nhiều nội dung cần sửa đổi để phù hợp với tình hình thị trường hiện nay.
“Thời gian qua, một lít xăng khi bán ra thị trường phải thực hiện quá nhiều mục tiêu. Tôi đề nghị, nghị định mới cần lược bớt các quy định không cần thiết, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Nếu không doanh nghiệp dễ bị “bắt lỗi” bởi các cơ quan thanh kiểm tra” - ông Trịnh Quang Khanh bày tỏ.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Nai Văn Tấn Phụng chia sẻ ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Vi Lâm |
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) Văn Tấn Phụng - đại diện cho nhóm thương nhân phân phối xăng dầu, cho rằng, cần xem xét, nghiên cứu để soạn lại dự thảo nghị định theo hướng thể hiện tư duy, cách tiếp cận và phương pháp đổi mới thực chất, có tính đột phá trong xây dựng thể chế, pháp luật và cơ chế quản lý nhà nước về thị trường xăng dầu nói chung và kinh doanh xăng dầu nói riêng, bảo đảm nguyên tắc cơ bản và tối thiểu là phù hợp với các luật hiện hành có liên quan.
Bởi, nếu nghị định mới được ban hành giữ nguyên tinh thần và nội dung như hiện nay thì e rằng các rủi ro về khủng hoảng nguồn cung xăng dầu vẫn có thể xảy ra. Nhiều doanh nghiệp phân phối, bán lẻ vừa và nhỏ thuộc nhóm yếu thế sẽ khó cạnh tranh thậm chí dẫn đến phá sản. Lợi ích của người tiêu dùng sẽ bị tác động, trong khi Nhà nước sẽ khó kiểm soát được các hiện tượng tiêu cực, trục lợi và buôn lậu về xăng dầu…
Doanh nghiệp lo bị hạn chế kinh doanh
Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Sài Gòn Đỗ Thanh Hán cho rằng, dự thảo nghị định nói trên chưa thực sự mới, vẫn còn hạn chế bớt quyền kinh doanh của thương nhân phân phối và bán lẻ. Do đó, ông Hán đề nghị các quy định đưa vào dự thảo phải mở rộng quyền kinh doanh cho các đối tượng doanh nghiệp. Bởi 2 năm nay, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu như đang “nằm trên giường bệnh”, gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp, nghị định mới cần điều hành xăng dầu theo thị trường, tôn trọng quy luật cung cầu, không được can thiệp quá nhiều. Phải tạo động lực cho người kinh doanh, không nên để cho doanh nghiệp “chán nản”.
Tổng giám đốc Công ty CP Lọc hoá dầu Bình Sơn Bùi Ngọc Dương chia sẻ ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Vi Lâm |
Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) nêu ý kiến: “Điều 14 dự thảo quy định thương nhân phân phối không được quyền mua bán lẫn nhau, trong khi trước đây được phép. Như vậy, dự thảo đã siết lại điều kiện kinh doanh, bó buộc và hạn chế tự do thị trường là không ổn”.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lo tình trạng độc quyền kinh doanh vẫn tiếp diễn, dẫn đến nguy cơ thao túng thị trường, hạn chế cạnh tranh (có doanh nghiệp lớn chiếm tới trên 50% thị phần hay một vài doanh nghiệp đầu mối thống lĩnh tới trên 80% nguồn cung xăng dầu).
Góp ý cho dự thảo, trong văn bản kiến nghị các nội dung gửi tới Bộ Công thương, các doanh nghiệp xăng dầu cho rằng, trong bối cảnh thực tế hiện nay, các doanh nghiệp xăng dầu đang không có điều kiện bình đẳng để cạnh tranh công bằng trên thị trường, đặc biệt trong tương quan giữa thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ, giữa doanh nghiệp lớn, siêu lớn thống lĩnh thị trường và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) Phan Văn Chinh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Vi Lâm |
Có ý kiến cho rằng, có tập đoàn doanh nghiệp chiếm tới 51% thị phần và cùng với 6/32 doanh nghiệp lớn khác chiếm tới 88% thị phần.
Một số doanh nghiệp đề cập, dự thảo nghị định lại quy định theo hướng bất lợi và triệt tiêu khả năng cạnh tranh công bằng và bình đẳng của các doanh nghiệp nhỏ hơn là thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ. Đơn cử, Điều 14 dự thảo bắt buộc các thương nhân này phải có và/hoặc thuộc một hệ thống phân phối nhất định do một thương nhân đầu mối hay thương nhân phân phối làm chủ, hay đối với thương nhân phân phối “chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu”.
Vi Lâm - Lam Phương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin