Do tổng mức đầu tư tăng không nhiều nên Đồng Nai đề nghị lựa chọn phương án đầu tư mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc Dự án Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 10 làn xe.
Đồng Nai kiến nghị lựa chọn phương án mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành lên quy mô 10 làn xe. Ảnh: P.Tùng |
Việc đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc này lên 10 làn xe sẽ tránh được tình trạng phải đầu tư nhiều lần tốn thời gian và ảnh hưởng đến quá trình lưu thông của các phương tiện.
* Đề xuất 2 phương án đầu tư
Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có tổng chiều dài 55km. Dự án được đưa vào khai thác từ giữa năm 2016 với quy mô 4 làn xe. Qua gần 10 năm đưa vào khai thác, tuyến đường cao tốc này đã trở nên quá tải. Vì vậy, yêu cầu nâng cấp, mở rộng tuyến đường cao tốc này đang trở nên rất cấp bách, đặc biệt là đối với đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh (nút giao An Phú) đến huyện Long Thành (nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu). Bởi, khi Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đưa vào khai thác vào năm 2026, đây sẽ là tuyến đường bộ chính kết nối Sân bay Long Thành với Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuối năm 2023, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo Chính phủ về phương án đầu tư mở rộng đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc Dự án Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Theo văn bản do Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh ký, hiện yêu cầu nâng cấp, mở rộng tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đang rất cấp bách, nhất là đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Long Thành. Thời gian qua, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã nghiên cứu đề xuất 2 phương án nâng cấp mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành.
Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành đã khai thác vượt quá 25% so với năng lực thông hành của tuyến, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải. Khi Sân bay Long Thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác sẽ tiếp tục tăng áp lực lên đoạn tuyến cao tốc này. |
Với phương án 1, VEC sẽ làm chủ đầu tư (thực hiện triển khai phương án đầu tư theo Luật Đầu tư) Dự án Nâng cấp mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành. Với phương án này, đoạn tuyến cao tốc được đầu tư mở rộng có phạm vi xây dựng từ Km4+00 đến Km25+920 với tổng chiều dài gần 22km sẽ được mở rộng lên 8 làn xe, thực hiện giải phóng mặt bằng 10 làn xe (hiện đã giải phóng mặt bằng đảm bảo diện tích thực hiện mở rộng 8 làn xe). Trong đó, 2 vị trí cầu (Sông Tắc - Km10+436, cầu trong nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu Km24+646) đầu tư mở rộng hoàn chỉnh theo quy hoạch 10 làn xe. Đồng thời, xây dựng thêm một đơn nguyên cầu Long Thành quy mô như cầu Long Thành hiện tại (4 làn xe). Theo đánh giá, phương án này đảm bảo đáp ứng được nhu cầu giao thông trên tuyến đến năm 2035 (lưu lượng khoảng 114.315 CPU/ngày đêm).
Với phương án 2, Bộ Giao thông vận tải sẽ đóng vai trò cơ quan chủ quản, VEC làm chủ đầu tư (thực hiện triển khai phương án đầu tư theo Luật Đầu tư công). Phạm vi thực hiện giữ nguyên như phương án 1, nhưng đoạn từ Km4 đến Km8+770 sẽ được đầu tư theo quy mô 8 làn xe, đoạn từ Km8 đến Km25+990 đầu tư 10 làn xe. Dự án vẫn đầu tư xây dựng một đơn nguyên quy mô như cầu Long Thành hiện tại. Đồng thời, thực hiện giải phóng mặt bằng toàn đoạn tuyến 10 làn xe.
* Đầu tư một lần để tăng khả năng sử dụng
Cũng theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, qua tính toán, đối với phương án 1, tổng mức đầu tư dự án hơn 14,3 ngàn tỷ đồng, bao gồm hơn 4,6 ngàn tỷ đồng vốn chủ sở hữu của VEC (chiếm 32%) và vốn vay thương mại 9,7 ngàn tỷ đồng (chiếm 68%). Dự án sẽ thực hiện chuẩn bị đầu tư từ tháng 3-2024 đến tháng 2-2025; thực hiện đầu tư từ tháng 3-2025 đến tháng 6-2028.
Hiện nay, đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc Dự án Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã quá tải. Ảnh: PHẠM TÙNG |
Với phương án 2, tổng mức đầu tư dự án hơn 15,6 ngàn tỷ đồng, bao gồm 9 ngàn tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (chiếm 58%) và vốn VEC huy động hơn 6,6 ngàn tỷ đồng (chiếm 42%).
Do khó khăn về nguồn vốn ngân sách nhà nước cũng như chi phí đầu tư nên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án 1 để thực hiện Dự án Nâng cấp, mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành.
Đồng thời, để giải tỏa áp lực giao thông sau khi Sân bay Long Thành đưa vào khai thác, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhận thấy cần phải rút ngắn giai đoạn chuẩn bị đầu tư và lập, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công, tổng dự toán, để có thể hoàn thành phần đường và các cầu cạn vào tháng 1-2027, cầu Long Thành vào tháng 12-2027 (rút ngắn 6 tháng so với đề xuất của VEC).
Giữa tháng 4 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản lấy ý kiến về báo cáo phương án đầu tư mở rộng đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc Dự án Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Mới đây, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh cho ý kiến về phương án đầu tư đối với đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành. Trong đó, đề nghị lựa chọn phương án 2, đầu tư mở rộng đoạn cao tốc với quy mô 10 làn xe.
Lý giải về phương án lựa chọn, văn bản của UBND tỉnh cho rằng, phương án 2 có tổng mức đầu tư tăng không nhiều so với phương án 1, khoảng 1,3 ngàn tỷ đồng, tương đương 8,3% tổng mức đầu tư. “Do đó, đề nghị lựa chọn phương án 2, đầu tư một lần theo quy hoạch để tăng khả năng sử dụng, tránh đầu tư nhiều lần tốn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư và ảnh hưởng đến quá trình lưu thông của các phương tiện” - văn bản của UBND tỉnh nêu rõ.
Phạm Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin