Theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Đồng Nai năm 2024, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi hơn 2 ngàn hécta đất lúa kém hiệu quả, không đảm bảo đủ nước tưới, năng suất thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi khác.
Nông dân xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, chuyển đổi hiệu quả từ trồng lúa sang cây bưởi cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: B. Nguyên |
Việc thay đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây hàng năm, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tăng thu nhập từ chuyển đổi cây trồng
Theo kế hoạch năm 2024, hơn 2 ngàn hécta đất lúa đa số được chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm. Diện tích đất lúa được chuyển đổi đều là đất kém hiệu quả, không đảm bảo đủ nước tưới, năng suất thấp.
Tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích lúa cả năm trên địa bàn tỉnh là gần 51,3 ngàn hécta với tổng sản lượng thu hoạch gần 308 ngàn tấn. Đất lúa vẫn chiếm diện tích lớn trên tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp, không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao. Giai đoạn 2008-2021, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi gần 5,3 ngàn hécta đất lúa kém hiệu quả. Cụ thể, năm 2022, tỉnh chuyển đổi hơn 1,9 ngàn hécta; năm 2023, chuyển đổi hơn 1,6 ngàn hécta.
Theo quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, đến năm 2030, Đồng Nai sẽ giữ lại hơn 15,4 ngàn hécta đất trồng lúa; trong đó vùng chuyên canh cây lúa 3 vụ/năm là hơn 12,5 ngàn hécta.
Huyện Xuân Lộc là địa phương đi đầu của tỉnh và cả nước trong xây dựng nông thôn mới, được chọn thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”. Trong đó, ấn tượng nhất của địa phương này là đã hình thành được những vùng chuyên canh cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. Nhờ đó, năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của huyện đạt hơn 83 triệu đồng, tăng gấp nhiều lần so với thời điểm mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, nông dân đã phát huy vai trò chủ thể trong đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ và ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao để phát triển sản xuất. Nông dân sản xuất giỏi Bùi Văn Kịch là người tiên phong chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bưởi tại xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu).
Ông Kịch so sánh: “Đất trồng lúa của gia đình tôi là đất ruộng khô cằn, thiếu nước tưới nên mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa; thu nhập rất thấp vì chỉ đạt lợi nhuận từ 12-14 triệu đồng/hécta/năm. Trong khi đó, 1 hécta đất lúa này chuyển sang trồng bưởi, gia đình tôi thu về từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm”.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế
Việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo đủ nước tưới sang các loại cây trồng của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.
Sự chuyển đổi này góp phần rất lớn cho sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt 48,87 ngàn tỷ đồng, tăng 3,63% so với năm trước đó, cao hơn bình quân chung cả nước và đứng thứ 3 trong vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh đã hình thành được khoảng 300 vùng chuyên canh cây trồng. Đặc biệt, diện tích cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cao tăng nhanh, hiện toàn tỉnh có gần 79,4 ngàn hécta. Năm 2023 đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc của Đồng Nai trong xuất khẩu trái cây tươi. Chỉ tính riêng tổng sản lượng xuất khẩu 2 sản phẩm chuối, sầu riêng đã đạt 168,5 ngàn tấn, giá trị đạt gần 4,8 ngàn tỷ đồng.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, tỉnh khuyến khích người dân chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho thu nhập cao hơn. Việc chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác phải đảm bảo với quy hoạch, định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh; đảm bảo khai thác tốt những tiềm năng lợi thế đất đai, điều kiện tự nhiên, lao động của địa phương. Hàng năm, tỉnh đều có kế hoạch chuyển đổi diện tích đất lúa căn cứ trên nhu cầu chuyển đổi của người dân, do các địa phương đề xuất.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn được giao chủ trì phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi đất lúa.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh cho biết, để sử dụng đất hiệu quả khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tỉnh có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp. Theo kế hoạch, mỗi năm, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đều có các chương trình hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, quy trình trồng và chăm sóc các loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân. Đồng thời, xây dựng các mô hình trình diễn, tổ chức hội thảo nhân rộng những mô hình hiệu quả. Giới thiệu, hỗ trợ nông dân ứng dụng các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Xác định cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng chuyển đổi, từng chất đất, tập quán sản xuất cũng như nhu cầu của thị trường; tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất phù hợp với từng loại cây trồng.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin