Báo Đồng Nai điện tử
En

Căng thẳng trong cung cấp điện, EVN đề nghị đẩy mạnh tiết kiệm

Hoàng Lộc
07:35, 11/04/2024

Trước thực tế nhu cầu sử dụng điện những tháng đầu năm tăng vượt dự báo, nắng nóng gay gắt tiếp tục kéo dài, các dự án cung ứng điện mới đưa vào sử dụng không nhiều, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công thương đề nghị đẩy mạnh tiết kiệm điện (TKĐ).

Nhân viên Điện lực Nhơn Trạch kiểm tra hệ thống điện ở Nhà máy Sản xuất số 2 của Công ty Tôn Phương Nam tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2. Ảnh: H.Lộc

Đây được xem là một trong những giải pháp cấp bách để có đủ điện cho phát triển kinh tế và sinh hoạt ở hiện tại cũng như lâu dài.

Giải pháp quan trọng và cấp bách để đủ điện

Ngày 6-4 vừa qua, Bộ Công thương có văn bản gửi sở công thương các tỉnh, thành phố yêu cầu đẩy mạnh thực hiện TKĐ. Theo Bộ Công thương, cung ứng điện các tháng mùa khô và cả năm 2024 về cơ bản đủ cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, trong thời gian tới, công tác bảo đảm cung ứng điện dự báo gặp nhiều khó khăn. Vì thế, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội trước mắt, cũng như lâu dài.

Thống kê của Điện lực Đồng Nai, quý I-2024, sử dụng điện của tỉnh tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, điện sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 10,8%, thương mại dịch vụ tăng 15,8%, nông - lâm - ngư nghiệp tăng 18% và điện sinh hoạt cao nhất 18,6%.

Theo EVN, năm 2024, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, thời tiết cực đoan; ngành điện đã chủ động xây dựng các kịch bản, phương án như: tích trữ nguyên liệu sản xuất điện, thực hiện ký cam kết điều chỉnh phụ tải và TKĐ, đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình nguồn điện, lưới điện… Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng điện tăng vượt kịch bản dự báo nên cung ứng điện không tránh khỏi những khó khăn.

Làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh vào cuối tháng 3 vừa qua, thành viên Hội đồng Thành viên EVN Cao Quang Quỳnh cho rằng, từ đầu năm đến nay, lượng điện sử dụng ở Đồng Nai cũng như khu vực miền Nam tăng cao. Ngành điện đã có các phương án đảm bảo cung ứng điện an toàn nhưng cũng không tránh khỏi sự cố. Cũng theo ông Quỳnh, từ nay đến năm 2025, cả khu vực miền Nam chỉ trông chờ vào dự án nguồn có công suất lớn tại Đồng Nai là Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4, nhưng các tuyến đường dây truyền tải điện đang gặp khó khăn. Do đó, TKĐ là giải pháp cần phải đẩy mạnh hơn nữa.

Đối với Đồng Nai, ông Quỳnh cho rằng, tỉnh có tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh, nhu cầu phụ tải điện ngày càng lớn. Ông Quỳnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ EVN thực hiện TKĐ. “Ngành điện cần UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành và địa phương hỗ trợ đẩy mạnh TKĐ; hỗ trợ triển khai nhanh các công trình đầu tư lưới điện góp phần nâng cao cung cấp điện cho tỉnh” - ông Quỳnh bày tỏ.

Về chỉ tiêu cụ thể, EVN kiến nghị UBND tỉnh thực hiện tiết kiệm từ 30-50% điện chiếu sáng công cộng, ít nhất 2% đối với cơ sở sử dụng năng lượng từ 1 triệu kWh/năm trở lên và tối thiểu 5% đối với cơ quan công sở...

Chính quyền, doanh nghiệp, người dân đồng hành

Năm 2023, miền Bắc đã xảy ra thiếu điện. Năm 2024, mới hết quý I nhưng tăng trưởng điện bình quân toàn quốc đã cao hơn dự báo của Bộ Công thương khoảng 2,5%. Dự báo từ nay đến tháng 7-2024, nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng do nắng nóng, sản xuất công nghiệp - xây dựng phục hồi, các ngành dịch vụ tăng. Trong khi đó, các dự án lưới điện chậm hoàn thành do vướng mặt bằng và quy hoạch, dự án nguồn điện mới không nhiều. TKĐ cần được triển khai đồng bộ, thực chất.

Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai Trương Đình Quốc, năm nay công ty đã xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp TKĐ. Với từng đối tượng khách hàng, công ty tổ chức tuyên truyền và đưa ra mức tiết kiệm khác nhau. Ví dụ, cơ quan hành chính sự nghiệp tổ chức làm việc, đề nghị xây dựng nội quy về TKĐ và ký cam kết tiết kiệm 5%; cơ sở kinh doanh dịch vụ thì tư vấn các giải pháp TKĐ và đề nghị tiết giảm 50% công suất chiếu sáng…

Cũng theo ông Quốc, hiện có hơn 35,2 ngàn khách hàng dùng điện ký cam kết TKĐ, hơn 960 khách hàng có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên ký thỏa thuận tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải (điều chỉnh sản xuất sang khung giờ thấp điểm).

Nhà máy sản xuất số 2 của Công ty Tôn Phương Nam tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch) là một trong những cơ sở ký cam kết điều chỉnh phụ tải điện năm 2024. Ông Keijio Yamamoto, Phó tổng giám đốc công ty, cho biết các năm gần đây, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến cung ứng điện mùa khô. Để chia sẻ với ngành điện, công ty đã ký cam kết điều chỉnh phụ tải với mức tiết giảm 400kWh. Việc này sẽ giúp công ty giảm sự cố lưới điện, giảm thiệt hại không mong muốn. Tuy nhiên, với công suất tiêu thụ khoảng 4,2 ngàn kWh, quá trình thực hiện điều chỉnh phụ tải cũng gặp khó khăn.

Cụ thể, khi dây chuyền sản xuất đang chạy, các động cơ lớn hay nhỏ đều phải chạy cùng nhau, rất khó để giảm tải ngay lập tức. Trong trường hợp này, nếu ngành điện có thông báo trước khoảng một tuần, công ty sẽ có thời gian điều chỉnh kế hoạch sản xuất để vừa đáp ứng yêu cầu đơn hàng, vừa có thể sắp xếp dừng hẳn một dây chuyền. Bên cạnh điều chỉnh phụ tải, Tôn Phương Nam áp dụng nhiều giải pháp TKĐ như: lập kế hoạch sản xuất theo chuỗi khép kín, kiểm toán năng lượng định kỳ 3 năm/lần, chuyển sang công nghệ sản xuất tự động, sử dụng bóng đèn LED chiếu sáng… Nhờ đó, năm qua, công ty tiết kiệm được gần 4,8 triệu kWh điện, tương đương tỷ lệ khoảng 28%.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho rằng, thời gian tới, khi các dự án sân bay, cảng biển, khu, cụm công nghiệp mới đi vào hoạt động, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng hơn. Tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ thị TKĐ của Chính phủ. Đồng tình với ý kiến của ngành điện về TKĐ chiếu sáng, chỉ đạo tăng cường truyền thông TKĐ đến cộng đồng.

Tỉnh cũng đề nghị ngành điện nỗ lực, triển khai đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các công trình điện theo kế hoạch, có hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp đầu tư lắp đặt điện mặt trời phục vụ sản xuất nhằm giảm áp lực cung ứng điện.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều