Báo Đồng Nai điện tử
En

Liên kết vùng để khai thác ngành công nghiệp không khói:
Bài cuối: Gỡ “nút thắt” cho ngành công nghiệp không khói

Ngọc Liên
08:29, 13/04/2024

Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định, du lịch là một trong những lĩnh vực phải có những giải pháp để thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng.

Khu du lịch núi Bà Đen, một trong những điểm du lịch hút khách bậc nhất vùng Đông Nam Bộ trong dịp đầu năm 2024. Ảnh: Ngọc Liên
Khu du lịch núi Bà Đen, một trong những điểm du lịch hút khách bậc nhất vùng Đông Nam Bộ trong dịp đầu năm 2024. Ảnh: Ngọc Liên

Tuy nhiên, theo nhìn nhận từ các nhà quản lý, chuyên gia, vùng ĐNB phải tháo được những nút thắt về chính sách để tăng thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại các địa phương, cũng như cấp vùng…

* Gỡ “rào cản” cho ngành du lịch

Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực tìm giải pháp, đưa ra những quyết sách nhằm gỡ “rào cản”, thúc đẩy du lịch phát triển.

Một trong những “rào cản” mà ngành du lịch mong chờ sớm được tháo gỡ nhất chính là các quy định liên quan đến quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, cấp phép xây dựng, thuê môi trường rừng…

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Văn Gọi cho biết, đầu năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai với nhiều điểm mới liên quan đến đất rừng, đất nông nghiệp có thể “mở đường” cho ngành du lịch phát triển. Cụ thể, luật đã có những điều chỉnh, quy định đối với các loại đất: nông nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng, đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất ở, đất có mặt nước, đất tôn giáo, đất tín ngưỡng... được sử dụng kết hợp đa mục đích như: thương mại, dịch vụ…

Đối với lĩnh vực quản lý đất rừng, luật cũng có những sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất rừng, giao rừng, cho thuê rừng…, hay hoạt động xây dựng, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ… cũng được đề cập theo hướng gợi mở, trợ lực cho phát triển du lịch dưới tán rừng.

Cùng với những quy định tại Luật Đất đai năm 2024, các bộ, ngành cũng đang khẩn trương lấy ý kiến, hoàn chỉnh các quy định, nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai mới bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho các ngành kinh tế cùng phát triển.

Phó tổng giám đốc Công ty CP Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) HUỲNH PHAN PHƯƠNG HOÀNG cho rằng, ĐNB có đầy đủ các yếu tố để tạo nên bộ sản phẩm du lịch kết nối nội vùng độc đáo. Tuy nhiên, ĐNB phải có chiến lược phát triển sản phẩm, tạo được những nơi mua sắm đẳng cấp, đồng thời có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp lữ hành đưa khách du lịch đến tham quan và mua sắm nhằm kích cầu thị trường… Để làm được những điều này, đòi hỏi phải phát huy vai trò quản lý nhà nước, cùng với đó là sự chung tay, trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng hưởng lợi từ du lịch.

Đặc biệt, tháng 2-2024, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan rà soát, thống nhất các nội dung trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2008/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều thi hành Luật Lâm nghiệp trong tháng 4-2024. Luật Đất đai năm 2024 cũng sẽ là tiền đề để sửa đổi Luật Lâm nghiệp trong thời gian tới.

Theo ông Lê Văn Gọi, khi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật được hoàn thiện sẽ mở đường tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho ngành “công nghiệp không khói” của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng.

Hiến kế phát triển du lịch cho vùng ĐNB, Cố vấn cấp cao Tập đoàn Imperial Paul Stoll cho rằng, để cải thiện chất lượng cơ sở vật chất và dịch vụ, ĐNB phải quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực theo đúng các tiêu chuẩn, bảo đảm sự phát triển lâu dài cho ngành du lịch. Hiện nay, Tập đoàn Imperial đã có cơ sở đào tạo nhân lực ngành du lịch theo các chương trình quốc tế, các địa phương vùng ĐNB có thể nhân rộng mô hình đào tạo này đến toàn khu vực. Hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề đào tạo nhân lực cho ngành du lịch. Ông Paul Stoll nhấn mạnh, chỉ khi nào nhân viên ngành du lịch được đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế mới có thể phát triển các sản phẩm du lịch một cách bền vững, đáp ứng các tiêu chí quốc tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, ĐNB cần tạo ra những hình ảnh đồng nhất, đồng thời đẩy mạnh truyền thông để quảng bá hình ảnh du lịch của vùng trên bản đồ du lịch thế giới. ĐNB nên tham khảo mô hình phát triển du lịch cấp vùng ở một số nơi khác đã làm tốt và có chính sách hợp lý để thúc đẩy du lịch phát triển.

* Cần những giải pháp thiết thực

Đóng góp ý kiến cho sự phát triển chung của du lịch vùng ĐNB, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho rằng, các tỉnh, thành trong vùng ĐNB cần cùng nhau cải thiện môi trường du lịch, đẩy mạnh liên kết trong phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng, phát huy giá trị di sản văn hóa của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương nên có sự trao đổi, thống nhất về thời gian tổ chức, khai thác các sự kiện của địa phương mình sao cho phù hợp, thuận tiện; đảm bảo cho các địa phương khác có thể tham gia đầy đủ, mang lại hiệu quả và sự thành công cho các hoạt động. Ngoài ra, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch của các địa phương cần chủ động liên kết, hợp tác với nhau trong việc thiết kế, xây dựng chương trình tham quan, gắn với việc quảng bá các sản phẩm đặc trưng, nổi bật của từng địa phương để tạo ra sản phẩm du lịch mới mang sắc thái của vùng.

Với vai trò đầu tàu trong phát triển du lịch vùng ĐNB của Thành phố Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho rằng, các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng ĐNB cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Để thực hiện được điều này, các tỉnh, thành vùng ĐNB cần xác định hợp tác và liên kết là sự tất yếu để duy trì và mở rộng thị trường khách du lịch vùng ĐNB. Từ đó, xây dựng sản phẩm du lịch liên kết vùng “6 địa phương - 1 điểm đến”. Trong chuỗi sản phẩm du lịch chung, mỗi địa phương vẫn phải tạo được những bản sắc riêng của mình nhằm tăng sức hấp dẫn và sự thu hút cho các điểm đến.

Cùng với phát triển sản phẩm, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cũng xác định phải có giải pháp phát triển thị trường mới, thị trường nguồn đối với khách nội địa, khách quốc tế và xây dựng chiến lược quảng bá, xúc tiến hiệu quả. Đối với thị trường khách quốc tế mới, có nhiều tiềm năng khai thác là: Ấn Độ, Trung Đông, Bắc Âu…

Bên cạnh phát triển du khách mới, cần chú trọng việc phát triển các sản phẩm du lịch để khách du lịch quay trở lại nhiều lần. Riêng với các thị trường nguồn và trọng điểm như: Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc…, cần tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch để tạo sự ổn định, tăng doanh thu cho ngành du lịch.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều