Việt Nam đang là một trong những nơi đón được nhiều dòng vốn đầu tư của các tập đoàn lớn trên thế giới. Các tập đoàn lớn đến Việt Nam đều muốn tìm nguồn cung nguyên liệu trong nước, tạo cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt tham gia vào chuỗi cung ứng.
Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành cơ khí, chế tạo ở Biên Hòa. Ảnh:V.Gia |
Tuy nhiên, làm thế nào để tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn lớn là bài toán mà nhiều DN Việt trong ngành công nghiệp hỗ trợ đang đi tìm lời giải.
Số lượng nhiều nhưng chất lượng chưa tinh
Là quốc gia có nền kinh tế mở, hướng tới sản xuất, xuất khẩu và cũng là quốc gia nhận được sự quan tâm của nhiều tập đoàn DN lớn nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp nên Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp hỗ trợ; đặc biệt là trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo, tiềm năng phát triển rất lớn. Tuy nhiên, điều cần thiết hiện nay là phải tăng tính tự chủ và giảm phụ thuộc nhập khẩu để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cả nước hiện có khoảng 5 ngàn DN chế biến tham gia cung cấp linh kiện, phụ tùng cho nhóm ngành cơ khí, chế tạo, tuy nhiên số lượng DN tham gia được vào chuỗi cung ứng còn hạn chế, nhất là việc tham gia sâu vào các chuỗi liên kết sản xuất.
Ngày 17-1-2024, Chính phủ đã Quyết định số 71/QĐ-TTg nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18-1-2017 về việc phê duyệt Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Theo đó, hơn 870 tỷ đồng sẽ được cung cấp để thực hiện, trong đó vốn ngân sách nhà nước là hơn 750 tỷ đồng, nguồn vốn khác là 120,5 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), hiện nay, cái yếu của công nghiệp Việt là nhiều công đoạn sản xuất mang giá trị gia tăng cao nằm ở nước ngoài như các nhóm hàng: máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, hóa chất, phương tiện vận tải và phụ tùng… khiến trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bị phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.
Chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa cao nên hàng năm Việt Nam phải chi tới hàng chục tỷ USD/năm nhập khẩu hàng ngàn linh kiện, phụ kiện phục vụ cho các ngành công nghiệp. Đơn cử như ngành điện tử và ô tô phải nhập khẩu linh kiện từ 50-60 tỷ USD/năm. Điều này cho thấy công nghiệp hỗ trợ là một thị trường hấp dẫn và tiềm năng, đòi hỏi các DN Việt phải nỗ lực để có thể đáp ứng nhu cầu cho sản xuất từ các nhà máy, xí nghiệp.
Ở góc độ địa phương, hơn 10 năm trước, Đồng Nai đã có chính sách ưu tiên mời gọi DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các DN trong nước đầu tư vào lĩnh vực này tăng dần và bước đầu đã tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, các DN trong nước chủ yếu gia công hoặc làm những sản phẩm đơn giản. Nhiều khó khăn bủa vây DN như: tiếp cận khách hàng, thông tin thị trường, nguồn nhân lực, thiết bị máy móc, vấn đề tài chính, tiêu chuẩn chứng chỉ liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu...
Tăng kết nối hỗ trợ DN
Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ngoài việc kêu gọi, thu hút đầu tư, Đồng Nai đã thực hiện các giải pháp, trong đó nổi bật nhất là kết nối các DN Việt với đối tác nước ngoài.
Từ năm 2017 đến nay, được sự hỗ trợ của METI-Kansai, Đồng Nai đã thành lập Tổ Điều phối viên để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tổ Điều phối thường xuyên tổ chức hoạt động kết nối giao thương giữa DN Việt Nam và Nhật Bản để tạo cơ hội cho các bên tìm đối tác, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đồng Nai phấn đấu đến hết năm 2025, công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng
21-23% giá trị toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và DN Việt nói riêng, Đồng Nai sẽ tìm các giải pháp tạo cầu nối liên kết giữa nhà cung ứng với nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Tạo cơ hội cho các bên hợp tác chặt chẽ với nhau, đồng thời tỉnh phát triển thêm các khu, cụm chuyên ngành, trong đó có cơ khí, chế tạo cùng với các chính sách khuyến khích kèm theo.
Về phía các DN, không thể chỉ có chờ đợi các chính sách hỗ trợ mà phải rất nỗ lực để có thể khẳng định mình. Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam (thành phố Biên Hòa) Trần Quý cho hay, công ty chuyên gia công kim loại tấm và các sản phẩm cơ khí, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ. Từ khi thành lập đến nay, DN luôn coi khách hàng là nguồn sống để cố gắng đáp ứng các yêu cầu của đối tác. Qua đó, công ty xác định vị thế của mình trên thị trường để ngày càng hoàn thiện và nâng chất lượng sản phẩm từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, muốn duy trì được sự hợp tác, nhất là trong việc tham gia cung ứng sản phẩm cho đối tác nước ngoài không hề đơn giản. Các DN phải tích cực tham gia các chương trình kết nối giao thương do địa phương và các đơn vị khác tổ chức. Hiện nay, Đồng Nai đã liên với Nhật Bản, thường xuyên tổ chức Chương trình Thúc đẩy và phát triển DN vừa và nhỏ do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Đây là cơ hội cho các DN vừa và nhỏ kết nối với các đối tác nước ngoài. Sẽ có các sự kiện kết nối, diễn đàn kinh doanh và nền tảng giao thương trực tuyến, vì thế các DN có thêm điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc và quảng bá sản phẩm.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin