Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp khó vay vốn mới, mong được giảm lãi suất các khoản vay cũ

Văn Gia
07:47, 04/04/2024

Đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng vẫn thấp do sự phục hồi kinh tế chậm. Từ quý II-2024, dự báo kinh tế sẽ có sự tăng trưởng mạnh hơn nên nhu cầu về vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) cũng tăng cao.

Doanh nghiệp rất cần vốn để bổ sung vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp rất cần vốn để bổ sung vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa: Văn Gia

Vấn đề là các tiêu chí để cho vay vốn vẫn cao, rất ít DN nhỏ và vừa tiếp cận được do không còn tài sản thế chấp. Vì khó tiếp cận gói vay mới, DN kiến nghị được hỗ trợ thêm lãi suất đối với phần vay cũ.

Vốn tín dụng vào nền kinh tế còn thấp

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 25-3-2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26%. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tín dụng 2 tháng đầu năm tăng thấp do yếu tố mùa vụ và đã phục hồi trở lại trong tháng 3-2024. Hiện thanh khoản đang dồi dào và dư địa tăng trưởng tín dụng còn nhiều để các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Để gỡ khó cho các ngân hàng và doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát để gia hạn thời gian áp dụng Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Thay vì hết hiệu lực từ tháng 6-2024, các chính sách trong thông tư này có thể kéo dài thêm thời hạn tới hết năm. Ngân hàng Nhà nước cũng thúc đẩy các tổ chức tín dụng triển khai các chương trình tín dụng ưu tiên cho doanh nghiệp.

Tại Đồng Nai, đến hết tháng 3, tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn đạt hơn 370 ngàn tỷ đồng, tăng gần 2% so với đầu năm (nợ xấu ước chiếm 1,41% trên tổng dư nợ cho vay).

Hiện nay, tình hình sản xuất, kinh doanh “ấm” lên là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, “bơm” vốn vào nền kinh tế.

Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,8-10,1%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng Việt Nam đồng đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm).

Theo đánh giá của các chuyên gia, tín dụng đầu năm tăng trưởng thấp do mùa vụ, trùng với dịp nghỉ lễ, Tết. Giai đoạn đầu năm, DN thường hạn chế vay mới. Thậm chí, nhiều đơn vị thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá vật liệu tăng, thiếu đơn hàng. Người dân tăng dự phòng và giảm vay để chi tiêu.

Theo Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo, đơn vị đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Theo đó, để hỗ trợ DN sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng cần tiếp tục ưu tiên xây dựng những chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh và kích thích tiêu dùng, các chương trình phục hồi kinh tế - xã hội theo quy định của Nhà nước. Các ngân hàng cũng phải có trách nhiệm tiếp xúc, gặp gỡ, tìm hiểu khó khăn của khách hàng để từ đó triển khai những chương trình phù hợp.

DN mong được hỗ trợ lãi suất khoản vay cũ

Trước tình hình khó khăn của DN, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ những khách hàng gặp khó khăn. Đồng thời, ngân hàng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề là dù ngân hàng có nhiều vốn cho vay nhưng DN nhỏ và vừa không thể tiếp cận nguồn vốn do không đảm bảo yêu cầu về thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Đặng Văn Điềm, khảo sát từ các thành viên cho thấy, tại thời điểm này, giá trị bất động sản đang giảm, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN chưa tốt. Vì thế, đến kỳ đáo hạn, ngân hàng tiến hành thẩm định lại giá trị tài sản của DN, lúc này do tài sản đảm bảo không đủ điều kiện nên DN không thể tất toán khoản vay cũ để kéo dài thời hạn vay vốn.

Ông Điềm cho hay, hiện DN vay vốn vừa để đầu tư mới, vừa để thanh toán các khoản vay cũ đã đến hạn. Tuy nhiên, phần lớn DN gặp trở ngại là không đáp ứng được các yêu cầu của ngân hàng để vay vốn đáo hạn và đầu tư mới. Do đó, các DN đều mong ngành ngân hàng có giải pháp phù hợp, tháo gỡ vướng mắc để DN tiếp cận được nguồn vốn vay.

Chủ một DN ở Biên Hòa chia sẻ, để vay vốn ngân hàng cho sản xuất, kinh doanh hiện nay không dễ. Yêu cầu tiên quyết là phải có tài sản thế chấp nhưng cũng như các DN khác, tài sản của DN đã được thế chấp để vay các khoản vay cũ. Thị trường đang tốt dần lên và đối tác có nhu cầu đặt hàng nhưng DN lại khó kiếm ra nguồn vốn mới để bổ sung vào sản xuất. Trong khi đó, các khoản vay cũ đang phải gánh lãi suất cao. Theo chủ DN này, trong bối cảnh vay mới khó khăn, nếu được hỗ trợ giảm lãi suất với các khoản vay cũ và việc tiếp tục giải ngân thuận lợi hơn thì DN mới có thể tồn tại và nắm bắt được cơ hội của mình khi thị trường phục hồi.

Văn Gia

Tin xem nhiều