Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp (DN) phải có tín chỉ này nếu muốn tham gia sâu rộng vào thị trường quốc tế.
Sản xuất tôn tại Nhà máy Tôn Phương Nam, Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, huyện Nhơn Trạch. Ảnh: H.Lộc |
Tại Hội nghị Chuyên đề net zero do tỉnh tổ chức mới đây, các chuyên gia, DN đã chia sẻ cách để có tín chỉ carbon.
* “Giấy thông hành” trong xuất khẩu hàng hóa
Hiện nay, nhiều thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ đã áp thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu. Chính vì vậy, tín chỉ carbon được xem như “giấy thông hành” để hàng hóa thâm nhập vào các thị trường này. Có 2 giải pháp chính giúp DN có tín chỉ carbon là sử dụng thiết bị, công nghệ để giảm chất thải các loại và trồng cây, trồng rừng để được quy đổi tỷ lệ phát thải.
Ông Dennis Ting, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ phát triển bền vững Huanying, cho rằng DN muốn giảm phát thải từ quá trình sản xuất phải biết được mình đang phát thải bao nhiêu. Để biết được điều đó thì phải kiểm kê carbon phát ra, đặt ra lộ trình giảm phát thải, cân đối chi phí đầu tư cho giảm phát thải và vạch ra kế hoạch thực hiện.
Các giải pháp DN có thể giảm phát thải ngay trong quá trình sản xuất là tối ưu hóa quy trình hoặc vận hành để giảm tiêu thụ tài nguyên và năng lượng; đầu tư kinh phí vào nghiên cứu và phát triển thiết bị, công nghệ mới; chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo hoặc năng lượng
low-carbon (carbon thấp)…
4 giai đoạn giảm phát thải carbon tỉnh đặt mục tiêu là: 2025-2030 giảm 20%, 2030-2035 giảm 45%, 2035-2045 trung hòa carbon và giai đoạn 2045-2050 phát thải nhà kính bằng 0. |
“Nắm bắt yêu cầu giảm phát thải của các thương hiệu, thị trường rồi thực hiện các biện pháp giảm hoặc bù trừ lượng carbon phát ra để dán nhãn giảm carbon, logo bảo vệ môi trường hoặc trung hòa carbon lên sản phẩm là điều cần thiết” - ông Dennis Ting chia sẻ.
Theo ông Mai Quốc Ấn, Công ty Gạch ống không nung Ngôi sao Bình Dương, cơ hội cạnh tranh của DN sẽ giảm sâu khi bị tính thuế carbon trên hàng hóa. Khi đó, DN phát thải nhiều mà không có công nghệ để giảm carbon hoặc không có vùng trồng cây để giảm phát thải carbon sẽ bị đào thải. Việc triển khai song song giảm phát thải carbon với trồng cây hấp thụ carbon là giải pháp gia tăng tính cạnh tranh, tăng cơ hội xuất khẩu và tăng uy tín xã hội cho DN.
Cũng theo ông Ấn, những địa phương có quy mô công nghiệp và xây dựng lớn như Đồng Nai cần có một chiến lược tổng thể cho việc giảm phát thải để giảm gánh nặng thuế, phí carbon. Để giảm phát thải cần đo cơ bản chính xác được định lượng phát thải carbon ở thực tế và dự báo phát thải tương lai, có các giải pháp công nghệ để giảm phát thải.
Còn ông Marc Forni, Trưởng nhóm tài chính low-carbon của Ngân hàng Thế giới, thì cho rằng, để DN Việt Nam tham gia giao dịch thị trường tín chỉ carbon thế giới, trước tiên các DN phải có ý tưởng, dự án, sau đó mang dự án, ý tưởng này đến đơn vị trung gian để xác minh và các đơn vị này đồng thời cung cấp nguồn tài chính, đối tác để tham gia mua bán tín chỉ trên thị trường. Ngân hàng Thế giới đang thực hiện chức năng kết nối cung cầu về tín chỉ carbon này.
* Cần quy định cụ thể và rõ ràng
Hiện nay, không ít DN đã và đang có các giải pháp giảm phát thải như: tiết kiệm năng lượng và chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo; tuần hoàn nước thải tưới cây, tái sử dụng chất thải không nguy hại vào mục đích khác; tham gia trồng cây, trồng rừng… Những việc làm này đều có thể quy đổi ra tín chỉ carbon để xuất khẩu hàng hóa, đổi lấy quyền phát thải. Thế nhưng, DN chưa đạt được mục đích này.
Nguyên nhân là các quy định, quy chuẩn về tái chế, tái sử dụng chất thải chưa rõ ràng. Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể việc đo kiểm, báo cáo và thẩm định giảm phát thải khí nhà kính. Lĩnh vực phát thải nhiều nhất là điện năng nhưng phát triển các nguồn điện tái tạo lại khó khăn. Chưa có cơ chế trao đổi tín chỉ carbon...
Tại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, giảm phát thải và hướng đến phát triển bền vững là chiến lược trong phát triển kinh doanh. Để giảm lượng phát thải khí nhà kính, DN này đang tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính: thúc đẩy chuyển đổi, canh tác theo hướng nông nghiệp tái sinh và giảm phát thải tại nhà máy bằng tái chế, tái sử dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu. Song Nestlé Việt Nam cũng gặp vướng mắc trong tái sử dụng chất thải, phát triển năng lượng xanh, tài chính ưu đãi để giảm thiểu carbon.
Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Đặng Minh Đức cho rằng, để đạt mục tiêu theo Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn Đồng Nai, thời gian tới sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các đối tượng, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh có lượng phát thải khí nhà kính lớn. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực như chuyên gia, cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Đối với việc hình thành cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon, thị trường giao dịch tín chỉ carbon trong nước, Sở Tài nguyên và môi trường đề nghị Chính phủ sớm ban hành các nguyên tắc sử dụng, giao dịch, cũng như đối tượng được phép tham gia giao dịch tín chỉ carbon. Ban hành các quy định về xây dựng định mức, định giá phù hợp cho mỗi đơn vị tín chỉ carbon. Trên cơ sở này, sở sẽ đẩy mạnh kiểm kê phát thải, đánh giá khả năng "sản xuất" tín chỉ carbon của DN nhằm tạo điều kiện có "hàng hóa" cho thị trường giao dịch vận hành.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhận định, tăng trưởng xanh là xu hướng của toàn cầu, là con đường phát triển tất yếu của thế giới. Đồng Nai là tỉnh công nghiệp lớn, việc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, phát triển xanh vừa có ý nghĩa lớn với sự phát triển bền vững của tỉnh, vừa có ý nghĩa lớn với sự phát triển thịnh vượng của DN.
Cũng theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, giảm phát thải là con đường phải đi, không thể nào khác. DN đi sớm, đi nhanh sẽ chiếm lợi thế. Mọi DN, người dân cùng thực hiện thì mục tiêu trung hòa carbon sớm đạt được.
Hoàng Lộc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin