Báo Đồng Nai điện tử
En

‘Sức nóng’ từ thị trường tín chỉ carbon

Hương Giang
08:45, 08/03/2024

Năm 2023, thông qua Ngân hàng Thế giới, lần đầu tiên ngành lâm nghiệp Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (tương đương với 10,3 triệu tấn carbon) với đơn giá 5 USD/tấn carbon hấp thụ và thu về hơn 51 triệu USD. Nguồn tiền thu từ bán các tín chỉ carbon sẽ được chi trả cho các chủ rừng, các đơn vị, cá nhân có hoạt động liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cả nước có gần 15,44 triệu hécta đất lâm nghiệp, chiếm 46,6% tổng diện tích tự nhiên của cả nước. Trong đó có hơn 10,17 triệu hécta rừng tự nhiên và hơn 4,57 triệu hécta rừng trồng. Hiện ngành lâm nghiệp Việt Nam đang phát thải âm và có nhiều tiềm năng để chuyển nhượng, mua bán tín chỉ carbon rừng. Do đó, sớm phát triển thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng tăng trưởng xanh của thế giới. Đồng thời, chủ rừng, các đơn vị, người dân có tham gia trồng, chăm sóc rừng sẽ có thêm nguồn thu để tái đầu tư bảo vệ rừng tốt hơn.

Đầu tháng 1-2024, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã làm việc về Đề án Thành lập thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam. Mục tiêu là tạo ra thị trường carbon công khai, minh bạch, xác định lượng phát thải, phân bổ hạn mức phát thải cho từng địa phương, lĩnh vực. Từ đó, góp phần khai thác các nguồn lực trong nước tham gia các hoạt động để giảm phát thải khí nhà kính. Dự tính năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon để đến năm 2028 vận hành chính thức.

Một số bộ, ngành, địa phương đề xuất lập sàn giao dịch tín chỉ carbon để đảm bảo hoạt động chuyển nhượng, mua bán tín chỉ carbon được công bằng, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong đó, đối tượng tham gia sẽ là các cơ sở có phát thải khí nhà kính và phải kiểm kê khí nhà kính; những tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon; tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư kinh doanh, hỗ trợ giao dịch tín chỉ carbon. Bên cạnh đó, Chính phủ nên sớm ban hành cơ chế, chính sách quản lý tín chỉ carbon thông thoáng, rõ ràng để khi đưa vào vận hành thị trường tín chỉ carbon tạo thuận lợi cho các giao dịch với đối tác trong và ngoài nước.

Đồng Nai là địa phương còn giữ được nhiều rừng nhất khu vực Đông Nam Bộ (khoảng 181 ngàn hécta) nên ngoài cho thuê dịch vụ môi trường rừng thì tỉnh có thể tiến hành bán tín chỉ carbon rừng. Hiện trên thế giới, giao dịch tín chỉ carbon có giá từ 5-100 USD/tấn. Trong những năm tới, với lộ trình các nước đã cam kết phải giảm phát thải thì thị trường tín chỉ carbon có thể sẽ rất “nóng”.

Hương Giang

Tin xem nhiều