Từ ngày 25-3, Nghị định số 10/2024/NĐ-CP của Chính phủ về khu công nghệ cao (CNC) với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư sẽ có hiệu lực. Trong nghị định nêu rõ phương hướng xây dựng, phương án phát triển, cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước với khu CNC…
Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành cận kề các tuyến đường cao tốc đang được đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Ảnh: V.GIA |
Thời gian qua, Đồng Nai đang định hướng xây dựng các khu CNC, khu công nghiệp mới theo hướng hiện đại, ứng dụng CNC để phát triển bền vững.
* Ưu đãi lớn với khu CNC
Theo Nghị định trên, doanh nghiệp đầu tư vào khu CNC sẽ được hưởng các ưu đãi như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đất đai, tín dụng...
Ban quản lý khu CNC và cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thuế, hải quan và thủ tục theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; hỗ trợ về tuyển dụng lao động và vấn đề khác trong quá trình nhà đầu tư triển khai hoạt động tại khu CNC.
UBND tỉnh vừa có văn bản giao Sở Khoa học và công nghệ triển khai nội dung Nghị định số 10/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khu CNC đến các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh làm cơ sở tham mưu cho tỉnh trong thời gian tới. |
Các dự án đầu tư và các hoạt động tại khu CNC được ưu tiên tham gia chương trình hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động; chương trình hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNC, chuyển giao công nghệ; chương trình hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp CNC, phát triển CNC trong nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ vốn vay và các chương trình hỗ trợ khác của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.
Ngoài các ưu đãi quy định trên, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ kinh nghiệm, năng lực tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu CNC. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu CNC được hưởng các mức ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về đầu tư, thuế, đất đai; được ưu tiên tham gia các đề án, chương trình, dự án thí điểm phát triển đô thị thông minh và các chính sách hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật…
* Đồng Nai hướng đến phát triển công nghiệp CNC
Hiện nay, trên địa bàn cả nước thì Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh là 3 địa phương xây dựng được khu CNC, có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế cả nước. Đơn cử, Khu CNC Hòa Lạc được thành lập từ năm 1998, hiện có quy mô gần 1,6 ngàn hécta với các khu đô thị vệ tinh xung quanh. Trong quá trình xây dựng và phát triển, năm 2023, Khu CNC Hòa Lạc cũng đã chuyển quyền quản lý từ Bộ Khoa học và công nghệ sang UBND Thành phố Hà Nội để thuận lợi trong quy hoạch, phát triển. Tương tự, Khu CNC Thành phố Hồ Chí Minh được coi là thành công nhất vì sau 20 năm thu hút được tổng vốn đầu tư hơn 12 tỷ USD. Trong khi đó, khu vực miền Trung, Khu CNC Đà Nẵng được thành lập từ 2010 nhưng quy mô còn khiêm tốn.
Thực tiễn hoạt động tại 3 khu CNC đầu tiên của cả nước cho thấy, thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vốn, cơ chế chính sách... Để nâng cao hiệu quả của khu CNC cần giải quyết những vấn đề căn cơ nhất, từ hành lang pháp lý, chiến lược phát triển, việc phân cấp, phân quyền đến những cơ chế đặc thù mang tính đột phá về thuế, thủ tục đầu tư, đất đai… để các khu CNC thực sự hoạt động như "cửa khẩu" CNC của Việt Nam. Do đó, Nghị định số 10/2024/NĐ-CP của Chính phủ đang rất được kỳ vọng.
Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên có nhiều điều kiện phát triển công nghiệp, thu hút các ngành nghề CNC. Tại các buổi gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định, mục tiêu thu hút đầu tư của Đồng Nai đã thay đổi. Thu hút đầu tư vào Đồng Nai, nhất là vào các khu công nghiệp phải là những dự án đẳng cấp. Tiềm năng, lợi thế của địa phương cho Đồng Nai thu hút được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp và đó là điều kiện tốt để chọn ra những dự án, ngành nghề CNC.
Việc xây dựng khu CNC, trên thực tế Đồng Nai có Khu CNC công nghệ sinh học Đồng Nai tại huyện Cẩm Mỹ. Tuy nhiên, hoạt động không hiệu quả và đang thực hiện các thủ tục để chuyên đổi sang khu CNC. Bên cạnh đó, Đồng Nai còn có Khu công nghiệp CNC Long Thành đang đầu tư xây dựng hạ tầng và đang tiến hành thu hút đầu tư.
Theo ông Thái Hoàng Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata Long Thành (chủ đầu tư Khu công nghiệp CNC Long Thành), đơn vị đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn với nhu cầu thuê đất rất lớn. Đây sẽ là khu công nghiệp điển hình đầu tiên của tỉnh trong việc lựa chọn dự án đầu tư, phát triển theo hướng CNC.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin