UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án Giảm phát thải carbon. Trong đề án này, tỉnh chọn 7 lĩnh vực để tập trung nghiên cứu hiện trạng, tìm giải pháp giảm phát thải ròng về 0 theo cam kết của Chính phủ.
Đô thị là khu vực tỉnh chọn thực hiện giảm phát thải. Trong ảnh: Một góc đô thị Biên Hòa. Ảnh: H.Lộc |
Đây là bước đi cần thiết và quan trọng để thực hiện các cam kết: thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế bền vững.
* 7 ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm
Năm 2023, khi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về môi trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã yêu cầu xây dựng Đề án Giảm phát thải carbon giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp; tới đây, khi các dự án sân bay, cảng biển, khu công nghiệp mới đi vào hoạt động thì quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa sẽ nhanh và mạnh hơn. Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển hài hòa với thiên nhiên và bảo vệ môi trường, cần xây dựng đề án, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả việc giảm phát thải, tạo tiền đề vững chắc cho phát triển xanh và bền vững của tỉnh.
Giảm phát thải carbon là giải pháp quan trọng để thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế bền vững. |
Thực hiện chỉ đạo này, cuối tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án đặt mục tiêu đánh giá đúng thực trạng mức phát thải nhà kính trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm carbon, góp phần hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Tại đề án này, tỉnh chọn 7 ngành nghề, lĩnh vực để nghiên cứu và thực hiện giảm thiểu carbon là: năng lượng; giao thông; công nghiệp; môi trường; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; xây dựng và vật liệu; khu đô thị. Đây đều là ngành nghề, lĩnh vực, khu vực phát triển kinh tế trọng điểm, có tỷ lệ phát thải cao và có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực nhất từ biến đổi khí hậu.
Theo đánh giá chung, tỉnh có nhiều lợi thế để thực hiện giảm khí thải carbon như: quỹ đất rừng hơn 181 ngàn hécta với nhiều khu vực có đa dạng sinh học cao; hệ thống sông, hồ với diện tích mặt nước và không gian sinh thái rộng. Hiện có hơn 250 cơ sở sản xuất công nghiệp và nhiều cơ sở xử lý chất thải phải kiểm kê, xây dựng lộ trình, thực hiện giảm phát thải nhà kính theo quy định. Bên cạnh đó là yêu cầu về tỷ lệ năng lượng tái tạo, giảm phát thải trong sản phẩm của thị trường nước ngoài.
Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa Nguyễn Hữu Nghị cho biết, khi được chọn thí điểm xây dựng mô hình sinh thái tại Khu công nghiệp Amata, công ty đã phổ biến nội dung, các tiêu chuẩn, giải pháp thực hiện đến các cơ sở sản xuất. Hiện nhiều cơ sở đã đầu tư công nghệ, máy móc để tái sử dụng nước thải, hơi, chất thải; gắn pin năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất; bổ sung diện tích cây xanh trong khuôn viên.
Việc xác định, lựa chọn giảm phát thải ở các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm là bước khởi đầu quan trọng để tỉnh có thể đạt trung hòa carbon. Đây cũng là nhu cầu và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp vào môi trường sống, môi trường đầu tư.
* 4 giai đoạn thực hiện đề án
Trung hòa carbon hay phát thải khí nhà kính bằng 0 là mục tiêu, nhiệm vụ dài hạn mà nhiều địa phương, quốc gia muốn đạt được. Tại đề án trên, tỉnh chia lộ trình làm 4 giai đoạn: giai đoạn 2025-2030 giảm 20% phát thải khí nhà kính, giai đoạn 2030-2035 giảm 45% phát thải khí nhà kính, giai đoạn 10 năm tiếp theo là trung hòa carbon và đạt phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Lộ trình này đã được tham chiếu với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Trước mắt, giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh khuyến khích sử dụng điện và năng lượng xanh trong giao thông vận tải; sử dụng xăng E5; giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp; đồng thời, tăng tỷ lệ hấp thụ carbon, tỷ lệ xử lý chất thải với kết quả bằng hoặc cao hơn mục tiêu Chính phủ đưa ra tại Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25-7-2022 phê duyệt Đề án Những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Công nghiệp là một trong 7 ngành nghề tỉnh thực hiện giảm phát thải. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Dệt Texhong (huyện Nhơn Trạch). |
Giải pháp đặt ra là xác định chi tiết tiềm năng các nguồn năng lượng. Phát triển mạnh các dự án năng lượng mới không phát thải như: sản xuất nhiên liệu hydrogen, amoniac xanh; phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng. Cùng với đó, hình thành cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon, đảm bảo năm 2030 thị trường tín chỉ carbon của tỉnh được vận hành, kết nối với các thị trường trong nước, các nước khu vực và trên thế giới.
Cũng trong giai đoạn này, tỉnh sẽ có báo cáo mục tiêu, thời hạn giảm phát thải cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực trọng điểm và toàn tỉnh. Báo cáo phát triển chiến lược chuyên ngành và đa ngành nhằm giảm thiểu carbon trong các ngành kinh tế trọng điểm. Báo cáo phương án, lộ trình chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp và trung tâm logistics để đạt mục tiêu net zero năm 2050.
Trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh có nền kinh tế năng động, là động lực tăng trưởng, hạt nhân phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cần thiết để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2030-2035. Năm 2050 sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, đầu mối giao thương quốc tế và đô thị đẳng cấp, hoàn thành mục tiêu trung hòa carbon.
Hoàng Lộc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin