Báo Đồng Nai điện tử
En

Dệt may Việt Nam tìm cách giữ hạng 3 thế giới

Hương Giang
07:45, 29/03/2024

Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam đặt ra kế hoạch xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD, tăng 9% so với năm trước. Trong quý I-2024, ngành dệt may đã có dấu hiệu sáng hơn khi nhiều doanh nghiệp (DN) đã nhận được đơn đặt hàng đến cuối năm. Riêng 2 tháng đầu năm nay, các DN dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được 5,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu vui cho ngành dệt may, vì đã có những khởi sắc. Tuy nhiên, để đạt kế hoạch đã đề ra, ngành dệt may cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Đồng Nai là một trong 5 địa phương xuất khẩu dệt may lớn nhất Việt Nam. Trong quý I-2024, ước kim ngạch xuất khẩu dệt may của tỉnh đạt hơn 358 triệu USD. Ngành dệt may Đồng Nai nếu so với cả nước thì dấu hiệu phục hồi chưa rõ nét. DN vẫn gặp khó khăn về đơn hàng, vận chuyển hàng hóa qua các nước.

Theo Bộ Công thương, dệt may giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm 12-16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Do đó, ngành dệt may phục hồi tốt sẽ góp phần tăng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành dệt may muốn về đích như kế hoạch đã đề ra thì trong các tháng còn lại của năm, trung bình mỗi tháng phải xuất khẩu được 3,88 tỷ USD.

Để đạt được điều đó không dễ, vì nền kinh tế thế giới phục hồi chậm. Bên cạnh đó, hàng loạt rủi ro cận kề vẫn chưa giải quyết được dứt điểm như: xung đột ở Biển Đỏ, căng thẳng Nga - Ukraine, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn… Các vấn đề trên tác động rất lớn đến ngành dệt may cũng như nhiều ngành xuất khẩu khác là: giày dép, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị và phụ tùng, máy tính linh kiện điện tử...

Trước tình hình trên, các bộ, ngành, hiệp hội, DN, địa phương đang nỗ lực thực thi các giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, nhiều đợt xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, hội thảo cho các ngành hàng được tổ chức ở trong và ngoài nước nhằm tăng kết nối các DN, tạo thành chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài xuất khẩu, nhiều DN dệt may cũng như các ngành khác đã chú trọng hơn đến thị trường nội địa.

Bên cạnh nỗ lực tìm đơn hàng, mở rộng thị trường, các DN cũng rất chú ý đến tái cơ cấu, đầu tư công nghệ để tăng năng suất, chất lượng và đáp ứng yêu cầu xanh hóa. Có giai đoạn ngành dệt may Việt Nam đã vươn lên vị trí xuất khẩu thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc) nhưng sau đó phải lùi xuống vị trí thứ 3 vì quá trình chuyển đổi xanh chậm chân hơn Bangladesh. Hiện các nước có ngành dệt may phát triển cũng đang chạy đua trong chuyển đổi công nghệ hướng đến sản xuất tuần hoàn, sản xuất xanh. Vì thế, muốn giữ được ngôi vị thứ 3 về xuất khẩu, DN dệt may Việt Nam phải linh hoạt, nhanh chuyển đổi xanh, giảm phát thải. Đây cũng là yêu cầu và đòi hỏi của các nhãn hàng quốc tế với ngành dệt may và những ngành hàng khác.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều