Năm 2023, tỉnh và nhiều địa phương cấp huyện không hoàn thành chỉ tiêu đấu giá đất, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công… một phần vì ít đơn vị tư vấn xác định giá đất. Điều này dẫn đến thu hồi đất, tính tiền thuê đất, thuế đất, xác định giá đất khởi điểm để đấu giá bị “ách” lại.
Khu đất dự án nhà ở tại TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom. Ảnh: H.Lộc |
Khả năng năm 2024, chuyện cũ lặp lại, gây bất lợi cho tỉnh lẫn các địa phương.
* Chỉ có 2 đơn vị tư vấn định giá đất
Năm qua, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều không hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách từ đất, giải ngân vốn đầu tư công. Công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện các thủ tục để giao đất, đấu giá đất cũng chậm. Nguyên nhân do cả tỉnh chỉ có 2 đơn vị tư vấn xác định giá đất trong khi khối lượng dự án rất nhiều.
Tháng 5-2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể. Trọng tâm của nghị quyết này là cấp tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi thu hồi đất; thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất. Đây là nhiệm vụ mới với cấp huyện nên việc triển khai còn nhiều lúng túng.
Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Hữu Thành cho rằng, năm qua, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm vì thiếu đơn vị tư vấn xác định giá đất. Ông Thành dẫn chứng, dự án Đường vành đai 3, nhiều trường hợp huyện đã kiểm kê tài sản, xác định các trường hợp tái định cư nhưng vướng tư vấn xác định giá đất nên chậm bồi thường. Tương tự, thu tiền sử dụng đất không đạt vì chưa xác định được giá đất cụ thể.
“Chúng tôi thiếu điều “năn nỉ” đơn vị tư vấn xác định giá đất làm giùm nhưng bị từ chối vì số lượng dự án quá nhiều, họ làm không xuể” - ông Thành chia sẻ.
Đối với cấp tỉnh, Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường nhận định, năm 2022 và 2023, công tác định giá đất mặc dù đã có nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện như định kỳ 2 tuần/lần Sở TN-MT họp rà soát tiến độ thực hiện các hồ sơ định giá đất nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng kết quả vẫn còn chậm, chưa đảm bảo thời gian theo yêu cầu.
Cũng theo ông Thường, thời gian qua, Sở TN-MT đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ TN-MT tháo gỡ vướng mắc cho địa phương; sửa đổi, bổ sung quy định nhưng thủ tục, các phương pháp vẫn chưa thực sự thuận lợi cho cả đơn vị tư vấn lẫn đơn vị thẩm định. Bên cạnh đó, vì số lượng dự án cần xác định giá đất cụ thể nhiều nhưng chỉ có 2 đơn vị thực hiện.
* Lo chuyện cũ lặp lại
Năm 2023, tỉnh và cấp huyện đã tiếp nhận và xử lý 81 hồ sơ giá đất. Đến nay, có 18 hồ sơ dự án có quyết định phê duyệt giá đất cụ thể. Còn lại đang trong quá trình rà soát hồ sơ, thẩm định, chưa có kết quả tư vấn, đang lập thủ tục thuê tư vấn. |
Tư vấn xác định giá đất là bước quan trọng để hội đồng thẩm định duyệt phương án giá đất cụ thể làm cơ sở tính tiền bồi thường khi thu hồi đất, tiền cho thuê đất, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất. Bước này chậm sẽ kéo theo hàng loạt công trình, dự án liên quan đến đất chậm theo.
Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Cao Tài cho rằng, năm 2023, huyện không hoàn thành mục tiêu thu tiền sử dụng đất vì không tìm được đơn vị tư vấn xác định giá đất. Khả năng năm 2024 sẽ lặp lại chuyện dự án đã hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng chủ đầu tư chưa được giao đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Về giải pháp, theo ông Tài, trước đây Sở TN-MT có trung tâm thực hiện tư vấn xác định giá đất. Thời điểm đó, có ý kiến cho rằng trung tâm của Sở tư vấn, Sở thẩm định giá đất là không phù hợp nên trung tâm không tham gia nữa. Nhưng hiện tại, thẩm định đã được ủy quyền về cấp huyện nên Sở TN-MT có thể chỉ đạo trung tâm tham gia tư vấn xác định giá đất cho cấp huyện để giảm bớt áp lực.
Phó chủ tịch UBND H.Tân Phú Phạm Ngọc Hưng cho biết, năm 2023, huyện đã duyệt định giá đất cụ thể đối với 5 dự án bằng phương pháp hệ số. Đây là những dự án liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công nên không thể kéo dài. Tuy nhiên, huyện vừa làm, vừa lo vì không biết đúng hay sai. Vì vậy, huyện kiến nghị các sở, ban, ngành sớm kiểm tra để nếu có sai sót còn kịp thời chấn chỉnh.
Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho rằng, năm qua tỉnh thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công không đạt, giải phóng mặt bằng một số dự án chậm, đấu giá đất thì bằng không, đều có liên quan đến tư vấn xác định giá đất. Phương pháp chưa rõ ràng, thủ tục nhiều và sợ trách nhiệm trong tư vấn. Đơn cử dự án tái định cư trên đất cao su đã có quyết định thu hồi đất nhưng phải mất gần 3 tháng thực hiện các thủ tục cưa, cắt cây. Sau đó, các cơ quan chức năng mất khoảng 3 tháng để lập quy hoạch chi tiết.
“Định giá đất là khó khăn chung của cả vùng, không riêng Đồng Nai. Nguyên nhân do vướng mắc trong việc thực hiện các quy định về pháp luật; thanh tra, kiểm toán kết luận nặng nề, gây áp lực lớn đối với tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ về giá đất, dẫn đến tâm lý e ngại không dám làm” - ông Đức chia sẻ.
Theo các địa phương, nếu không có các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong xác định giá đất cụ thể thì khả năng nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, bồi thường giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án liên quan đến đất trong năm 2024 sẽ là chuyện cũ lặp lại.
Hoàng Lộc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin