Mới đây, Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu chính ngạch sầu riêng cấp đông của Việt Nam. Đây là tín hiệu vui cho nông dân trồng sầu riêng của nước ta, vì có thêm đầu ra và giảm được áp lực đến vụ thu hoạch không xuất khẩu được hàng. Bởi sau khi thu hoạch trái sầu riêng chưa xuất kịp có thể đưa vào kho đông lạnh bảo quản và xuất khẩu dần.
Đầu ra cho trái sầu riêng đã rộng cửa, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đó là kiểm dịch sầu riêng đông lạnh tại Việt Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu không làm tốt khâu kiểm dịch có thể ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu. Điều này đã xảy ra trong năm 2023, khi một số trái cây của Việt Nam như: xoài, chuối, thanh long, sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc bị “thổi còi” vì có một số lô hàng chưa đảm bảo chất lượng. Do đó, từ nông dân đến doanh nghiệp xuất khẩu muốn có đầu ra ổn định buộc phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định trong sản xuất, sơ chế sản phẩm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cục đang dự thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về nghị định yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ NN-PTNT Việt Nam. Khi nghị định được ban hành sẽ là quy trình để đảm bảo chất lượng sầu riêng đông lạnh xuất khẩu. Đồng Nai là một trong các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về sản xuất, xuất khẩu sầu riêng nên đây sẽ là tin vui lớn cho các nhà vườn sản xuất sầu riêng trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam khoảng 2,2 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022 và tăng 10 lần so với năm 2021. Trong đó, riêng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc là 2,03 tỷ USD. Bên cạnh những thuận lợi thì nhiều ý kiến quan ngại việc Việt Nam tăng quá nhanh diện tích sầu riêng. Cụ thể, đầu năm 2023, tổng diện tích sầu riêng của Việt Nam hơn 85,1 ngàn ha, nhưng đến đầu năm 2024 là gần 119,3 ngàn ha. Như vậy, trong vòng 1 năm, diện tích sầu riêng của nước ta đã tăng 34,2 ngàn ha. Dự tính diện tích trồng sầu riêng sẽ còn tăng cao trong một vài năm tới khi giá bán cao, lợi nhuận nhà vườn thu được lớn. Việc này có thể dẫn đến khủng hoảng đầu ra nếu thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam. Vì sầu riêng không phải là cây độc quyền của Việt Nam, các nước khác như: Thái Lan, Campuchia, Malaysia… cũng trồng được sầu riêng và chất lượng khá tốt. Và khi cây trồng này xuất khẩu tốt, các nước sẽ tăng diện tích, dẫn đến cạnh tranh với sầu riêng của Việt Nam.
Vì thế, có 3 vấn đề lớn đặt ra với ngành sầu riêng của Việt Nam là phải kiểm soát tốt chất lượng, khuyến cáo người dân không nên ồ ạt tăng diện tích, tìm thêm các thị trường xuất khẩu khác để hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất.
Hương Giang
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin