Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng |
Đầu năm 2024, đã có 9 dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Đồng Nai. Trong đó, có 8/9 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hầu hết các dự án đều có công nghệ hiện đại. Đồng Nai kỳ vọng, năm 2024 sẽ thu hút dòng vốn chất lượng cao vào các lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, nông nghiệp, du lịch...
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, Đồng Nai sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để mời gọi các doanh nghiệp (DN) trong nước, FDI vào tỉnh đầu tư. Với các dự án đang triển khai, tỉnh sẽ rà soát kỹ, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc để DN sớm hoàn thành dự án đưa vào khai thác. Đồng thời, tỉnh sẽ nâng cấp hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), nhanh chóng thúc đẩy việc thành lập thêm các KCN mới để có thêm quỹ đất công nghiệp cho nhà đầu tư thứ cấp thuê làm nhà máy sản xuất.
Về đích sớm trong thu hút vốn FDI
* Năm 2023, thu hút đầu tư FDI của tỉnh đã vượt kế hoạch, bà có đánh giá như thế nào về những dự án FDI đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong năm qua?
- Năm 2023, kế hoạch của tỉnh là thu hút vốn FDI 1 tỷ USD, trong KCN là 700 triệu USD và ngoài KCN là 300 triệu USD. Kết quả, toàn tỉnh thu hút được 1,22 tỷ USD, đạt 122% kế hoạch, riêng KCN thu hút 1,2 tỷ USD, đạt 172% kế hoạch đề ra.
Trong năm qua, các dự án mới chủ yếu được cấp trong các KCN. Về quy mô dự án theo vốn đầu tư có thấp hơn một chút so với năm trước đó nhưng về chất lượng, cơ quan đăng ký đầu tư bám sát định hướng thu hút đầu tư của tỉnh là thu hút đầu tư có chọn lọc, chỉ tiếp nhận các dự án có công nghệ mới, hiện đại, không thâm dụng lao động, không có yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Năm qua, số dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm trên 50% và chiếm trên 74% về vốn trong tổng dự án đăng ký mới.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng giới thiệu sản phẩm OCOP của Đồng Nai với doanh nghiệp Ấn Độ tại hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Đồng Nai và doanh nghiệp Ấn Độ. Ảnh: Ngọc Liên |
* Năm qua, Đồng Nai bỏ lỡ một số dự án FDI có vốn lớn, thuộc lĩnh vực công nghệ cao do không đủ quỹ đất công nghiệp để cho thuê. Vậy năm 2024, Đồng Nai sẽ làm gì để cải thiện khó khăn trên?
- Để nhanh chóng bổ sung quỹ đất công nghiệp, trong năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện và chủ đầu tư đẩy nhanh việc bồi thường giải phóng mặt bằng để mở rộng các khu công nghiệp đã được phê duyệt. Đồng thời, tỉnh gấp rút hoàn thành hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt để thành lập các KCN mới.
Vào tháng 10-2023, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, theo đó, trong năm 2024, tổ công tác sẽ sớm ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, nhanh chóng thành lập thêm các KCN mới để kịp thời bổ sung quỹ đất công nghiệp cho tỉnh.
Thực hiện một cửa tại chỗ
* Trong năm 2024, tỉnh có kế hoạch nâng cấp, mở rộng các KCN tại Đồng Nai như thế nào?
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG, Đồng Nai hiện có một số KCN mới đang được Bộ KH-ĐT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Khi các KCN mới được phê duyệt Đồng Nai sẽ có thêm khoảng 2,3 ngàn ha đất công nghiệp. |
- Điều kiện hạ tầng của các KCN hiện tại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai về cơ bản đáp ứng tốt các nhu cầu của nhà đầu tư. Một số KCN có điều kiện hạ tầng rất tốt, được nhà đầu tư đánh giá cao như: KCN Amata, Biên Hòa 2, Long Đức, Nhơn Trạch 6…. Hàng năm, UBND tỉnh đều tổ chức hội nghị giao ban hạ tầng các KCN và Ban Quản lý các KCN thực hiện chức năng giám sát hoạt động xây dựng, kinh doanh hạ tầng của các KCN, từ đó có ghi nhận và chấn chỉnh kịp thời các vấn đề bất cập, phát sinh nhằm duy trì các KCN ở trạng thái phục vụ tốt nhất.
Đối với hạ tầng ngoài hàng rào KCN, ngân sách nhà nước còn hạn chế nên một số KCN có điều kiện kết nối hạ tầng về giao thông còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và của DN. Vấn đề này, UBND tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố có các KCN đóng trên địa bàn có những giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng hạ tầng ngoài hàng rào hiện đại và đồng bộ.
* Thủ tục cấp phép đầu tư và các chế độ ưu đãi là vấn đề nhà đầu tư rất quan tâm, Đồng Nai có kế hoạch hỗ trợ nào khác ngoài những chính sách chung của Chính phủ hay không? Đặc biệt là đối với các dự án sản xuất xanh, công nghệ cao?
- Thủ tục cấp phép đầu tư hiện nay khá đơn giản, nhà đầu tư có thể ngồi tại nhà, tại DN hay bất cứ đâu để đăng ký trên phần mềm điện tử được công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc của tỉnh Đồng Nai. Cơ quan đăng ký đầu tư công khai các thủ tục, quy trình và các biểu mẫu trên trang điện tử và luôn bố trí cán bộ hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân, DN khi cần thiết.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng thăm nhà máy sản xuất đồ gia dụng của doanh nghiệp Nhật Bản tại Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: Ngọc Liên |
Ngoài chính sách chung theo quy định của pháp luật, tỉnh Đồng Nai đã và đang áp dụng triệt để cơ chế “một cửa, tại chỗ” để tạo điều kiện thuận lợi nhất, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, hoạt động tại Đồng Nai. Hiện nay hầu hết các thủ tục hành chính đối với DN trong KCN được thực hiện tại Ban Quản lý các KCN. UBND tỉnh và các sở, ban, ngành trong tỉnh luôn thống nhất cao trong việc phân cấp, ủy quyền thực hiện các thủ tục hành chính trong KCN cho một đầu mối là Ban Quản lý các KCN thực hiện để nhà đầu tư chỉ cần liên hệ một nơi duy nhất. Ngoài ra, phía chính quyền cũng đang tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực, áp dụng rộng rãi việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính điện tử để thuận tiện cho người dân, DN.
Với dự án sản xuất xanh, công nghệ cao, tỉnh luôn ưu tiên mời gọi và tạo thuận lợi cho DN đầu tư. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật thì địa phương không được ban hành chính sách ưu đãi riêng, do đó, tỉnh cũng chỉ dừng ở mức hỗ trợ về mặt thủ tục hành chính và hướng dẫn DN trong thực hiện các bước thủ tục để được hưởng ưu đãi theo quy định.
* Xin cảm ơn bà!
Ngọc Liên (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin