Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp tìm cách thoát khỏi khó khăn

Văn Gia
08:16, 05/12/2023

Tháng cuối cùng của năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh đã có dấu hiệu sáng hơn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chật vật trong việc tìm đơn hàng, tăng doanh thu để đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Đóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất cơ khí Phước Hưng (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.Gia
Đóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất cơ khí Phước Hưng (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.Gia

Tuy kinh tế vẫn còn khó khăn nhưng vẫn có những cơ hội mở ra khi Chính phủ liên tục đưa ra các giải pháp giảm thủ tục hành chính, giảm thuế, phí… Những chính sách trên sẽ là động lực cho DN vực dậy tăng trưởng cuối năm.

* DN rút khỏi thị trường tăng cao

Giai đoạn hiện nay, phát triển DN rất khó khăn. Trong 11 tháng của năm 2023, cả nước có 201,5 ngàn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số DN rút lui khỏi thị trường lại tăng tới 20% so với cùng kỳ năm trước, với con số 158,8 ngàn DN. Như vậy, cả nước chỉ bổ sung được 42,7 ngàn DN vào thị trường, một con số rất khiêm tốn.

Cùng với cả nước, Đồng Nai cũng có hoàn cảnh tương tự, đến ngày 15-11, toàn tỉnh có khoảng 3,6 ngàn DN thành lập mới với tổng vốn khoảng 26,2 ngàn tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số DN và số vốn đăng ký đều giảm mạnh. Ở chiều ngược lại, có hơn 2,7 ngàn DN, chi nhánh, địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động, tạm dừng kinh doanh, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân, trong giai đoạn vừa qua và cả hiện nay, nhiều khó khăn đang bủa vây các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh. Ngoài vấn đề về tiêu thụ thì có tới 25% hội viên của hiệp hội cho rằng, đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe. Bên cạnh đó, đa phần DN đã cầm cự trong thời gian rất dài nên những điều kiện để đáp ứng các yêu cầu quy định khó có thể thực hiện.

* Xoay xở trước mắt và tìm hướng đi lâu dài

Các tác động bất lợi tạo ra nhiều khó khăn đã buộc DN phải xoay xở, linh hoạt để duy trì hoạt động trước mắt và tìm hướng đi lâu dài.

Giám đốc HTX Hiệp Lực (TP.Biên Hòa) Lương Thị Thúy chia sẻ, doanh thu hàng đan lát thủ công mỹ nghệ của đơn vị giảm sút từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 và xung đột chính trị trên thế giới. Một số khách hàng của HTX Hiệp Lực do kinh tế khó khăn dẫn đến phá sản nên đơn hàng giảm sút. Hiện nay, tình hình sản xuất, xuất khẩu đang hồi phục nhưng chậm. HTX đã đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, trong đó có Nhật Bản; đồng thời, để tạo niềm tin cho khách hàng, việc đảm bảo an toàn lao động, chăm chút cho từng công đoạn sản xuất là vấn đề tiên quyết có thể mang lại thêm những hợp đồng mới.

Tương tự, bà Phạm Thị Mỹ Châu, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất cơ khí Phước Hưng (TP.Biên Hòa) cho hay, trong giai đoạn trước mắt, DN đang tập trung hơn vào thị trường nội địa. Vào mùa cuối năm, các sản phẩm điện tử, điện lạnh tivi, tủ lạnh, máy giặt… được tiêu thụ nhiều hơn thì đó là cơ hội cho sản phẩm phụ trợ như: các loại kệ tủ lạnh, máy giặt, giá treo tivi của DN cung ứng ra thị trường.

Với các DN ngành gỗ, sự suy giảm là điều khá rõ ràng. Cả nước đặt mục tiêu xuất khẩu ngành gỗ ban đầu là 17 tỷ USD trong năm 2023 nhưng với sự nỗ lực của các DN, nhiều khả năng chỉ đạt đến con số 14 tỷ USD. Tuy nhiên, về dài hạn, tiềm năng mở rộng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong thời gian tới là rất lớn, bởi quy mô thị trường đồ gỗ, nội thất thế giới lên tới 200 tỷ USD. Mặc dù, Việt Nam nằm trong tốp 5 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới nhưng tỉ trọng vẫn nhỏ.

Hiện nay, ngành gỗ đang tích cực đầu tư vào nâng cao chất lượng và chuyển đổi công nghệ cũng như chủ động nguồn nguyên liệu. Vừa qua, các hiệp hội gỗ trong cả nước đã liên kết để xây dựng trung tâm lớn về thiết kế, sản xuất, triển lãm của ngành ở Đồng Nai nhằm phát triển bền vững.

Văn Gia

Tin xem nhiều