Thời gian qua, công tác quản lý, điều hành cung ứng điện xuất hiện các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến việc cung cấp điện. Các bất lợi này kết hợp với tác động “kép” của thời tiết cực đoan và biến động giá nhiên liệu trên thế giới khiến việc đảm bảo cung ứng điện cho hiện tại và tương lai khó khăn hơn.
Dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam đang triển khai xây dựng tại H.Nhơn Trạch. Ảnh: H.Lộc |
Tại Đồng Nai, việc triển khai các dự án hạ tầng điện theo quy hoạch còn chậm, dẫn đến thiếu điện cục bộ, quá tải lưới điện.
* Thiếu hạ tầng truyền tải điện
Vào tháng 5 và 6-2023, nhiều nơi ở miền Bắc phải cắt điện luân phiên, miền Nam phải điều chỉnh phụ tải (giảm sử dụng điện) để giảm áp lực cung ứng. Nguyên nhân, theo lý giải của ngành điện là thời tiết cực đoan, El Nino làm nhiều hồ thủy điện về mực nước chết hoặc gần chết, không thể sản xuất điện. Một số nhà máy nhiệt điện gặp sự cố nhu cầu sử dụng điện gia tăng.
Còn trong kết luận thanh tra của Bộ Công thương đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố vào tháng 7-2023, nguyên nhân sâu xa dẫn đến thiếu điện là do hạn chế trong công tác quản lý và điều hành cung ứng điện. Cụ thể, EVN chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; chậm khắc phục sự cố tổ máy của một số nhà máy nhiệt điện làm giảm khả năng cung cấp điện; không chấp hành nghiêm các quyết định, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công thương về kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện, làm bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng. Kết luận thanh tra cũng cho rằng, điều tiết, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các nguồn điện đã dẫn đến tình trạng thiếu điện.
Thực tế cho thấy, nguồn điện hiện có cao hơn nhu cầu, có nghĩa nguồn điện không thiếu nhưng hạ tầng truyền tải chưa đáp ứng và huy động các nguồn điện chưa phù hợp nên xảy ra thiếu điện. Hệ quả là đời sống của người dân, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và thu hút đầu tư bị ảnh hưởng.
Báo cáo giám sát chuyên đề về phát triển năng lượng 2016-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày trước Quốc hội tại phiên họp thứ 27 ngày 12-10-2023 thể hiện, việc đầu tư nguồn điện và lưới điện giai đoạn 2016-2021 chưa đồng bộ, bất cập. Đó là năng lực đấu lưới và truyền tải điện chưa đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng tái tạo ở khu vực miền Trung. Cung và cầu năng lượng trong nước mất cân đối, vì nguồn phát điện giữa các vùng và một số dự án nguồn điện chậm vận hành hoặc dừng triển khai. Những tồn tại này dẫn tới tình trạng thiếu điện ở miền Bắc trong tháng 5 và 6-2023.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các văn bản chỉ đạo đảm bảo cung ứng điện, trọng tâm đẩy nhanh việc khắc phục sự cố các nhà máy nhiệt điện, gấp rút hoàn thành các dự án truyền tải điện đang triển khai để đưa điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc. Lên kế hoạch triển khai xây dựng các dự án điện mới theo Quy hoạch điện VIII. Theo nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguy cơ thiếu điện còn có thể kéo dài trong ngắn, trung và dài hạn tới năm 2050. Nguyên nhân là việc hoàn thành các dự án điện lớn cần thời gian; kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII vẫn đang lấy ý kiến các địa phương, bộ, ngành nên chưa có cơ sở triển khai dự án mới.
* Đồng Nai thiếu điện cục bộ, lưới điện quá tải
Tại Đồng Nai, tình hình không quá căng thẳng như miền Bắc nhưng cũng xảy ra thiếu điện cục bộ, quá tải lưới điện.
Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh năm 2023 chỉ ra, tiến độ đầu tư lưới điện truyền tải 220kV nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu cấp nguồn 110kV cho phụ tải khu vực. Hiện nay, phần lớn các đường dây và trạm biến áp 220kV trên địa bàn đang vận hành đầy và quá tải, phương thức vận hành lưới điện 110kV đang phải nhận nguồn 110kV hỗ trợ từ các tỉnh: Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương. Một số công trình điện cấp điện áp 110kV chậm đưa vào vận hành so với quy hoạch. Các tồn tại trên đã dẫn đến thiếu điện cục bộ ở Khu công nghiệp Giang Điền (H.Trang Bom).
Giai đoạn 2016-2021, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai thực hiện các công trình điện theo kế hoạch đạt thấp: đầu tư mới đường dây 110kV chỉ đạt 4,6% (12/266km); cải tạo, nâng cấp tuyến đường dây 110kV chỉ đạt 15% (19/124km); đầu tư mới trạm biến áp 110kV chỉ đạt 19% (4/22 trạm)... |
Bà Hứa Lệ Mạnh, Trợ lý giám đốc Công ty TNHH Great Kingdom Giang Điền phản ảnh, nhiều năm nay, Khu công nghiệp Giang Điền không có đường dây cung cấp điện riêng, mà mỗi DN đấu nối một đường dây từ nơi khác. Vào mùa nắng, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng làm cho DN không đủ điện, có khi ngắt nguồn điện. Theo bà Mạnh, hiện kế hoạch mở rộng giai đoạn 2 của DN vẫn bị trì hoãn do không đủ điện theo đăng ký ban đầu, do xuất khẩu khó khăn.
Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong cho biết, thời gian qua, tiến độ các dự án điện cao thế chậm do chưa đồng nhất về quy hoạch đất đai, xây dựng, điện lực và công tác giải phóng mặt bằng kéo dài. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là giải phóng mặt bằng, ngành điện chỉ đền bù cho các tổ chức, hộ dân có đất bị thu hồi để xây dựng trạm biến áp và móng trụ, phần hành lang dưới đường dây chỉ bồi thường hạn chế công năng với đơn giá thấp, người dân không đồng thuận.
Giám đốc Ban Quản lý dự án điện miền Nam Trương Hữu Thành chia sẻ, trên địa bàn Đồng Nai có nhiều hệ thống điện 500kV, 220kV, 110kV, 22kV cung cấp điện cho tỉnh và khu vực. Theo kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025, Ban đang và sắp triển khai 11 dự án nhưng hầu hết đều chậm tiến độ vì vướng mặt bằng. Ban kiến nghị UBND tỉnh đưa các dự án điện vào danh mục dự án trọng điểm của tỉnh, thành lập tổ công tác hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Đồng thời, cập nhật dự án điện vào các quy hoạch: sử dụng đất, xây dựng, đô thị để thuận lợi trong triển khai xây dựng.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, thời gian tới, tỉnh sẽ có thêm hàng loạt khu công nghiệp và sân bay Long Thành, cảng biển Phước An đi vào hoạt động. Đây đều là những khu vực có nhu cầu lớn về điện mà tỉnh phải cam kết đảm bảo với nhà đầu tư. Ngành điện cần tính toán đầu tư các công trình nguồn và lưới điện đáp ứng nhu cầu. Để thuận lợi cho quá trình triển khai, ngành điện làm việc với Sở Công thương về nhu cầu sử dụng đất, hướng tuyến để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, kiến nghị EVN, Bộ Công thương về chính sách đền bù, hỗ trợ trong thu hồi đất; cải tiến biểu giá điện; hướng dẫn thủ tục đầu tư dự án năng lượng tái tạo.
Hương Giang - Hoàng Lộc
Bài 3: Lãng phí nguồn điện sạch
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin