Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp định vị lại mô hình kinh doanh

Văn Gia
09:01, 07/11/2023

Kinh tế khó khăn, nhu cầu thị trường suy giảm và việc tiếp cận các nguồn vốn gặp rất nhiều rào cản đang buộc các doanh nghiệp (DN) hiện nay phải thận trọng hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành cơ khí, chế tạo ở H.Long Thành. Ảnh: V.Gia
Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành cơ khí, chế tạo ở H.Long Thành. Ảnh: V.Gia

Kinh nghiệm cho thấy, trước sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng tiêu dùng, DN phải hiểu, biết và nắm bắt khách hàng; tìm kiếm nguồn vốn bằng chiến lược thông minh hơn. Để thành công, cần cải tiến mô hình kinh doanh, tối ưu hóa vận hành và thay đổi phương thức hoạch định, quản trị phù hợp xu thế của xã hội.

*Mô hình kinh doanh phải thích ứng với biến đổi thị trường

Theo ông Đặng Quốc Nghi, Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH MTV Rồng Nam Việt
(TP.Biên Hòa), trong điều kiện kinh tế biến động, nhiều bất ổn và nguy cơ suy thoái, các DN thường phản ứng và đối phó bằng nhiều giải pháp khác nhau, có những DN đóng băng việc tuyển dụng nhằm cắt giảm ngân sách. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, nguồn nhân lực mới là yếu tố quyết định đến việc sống còn. “Là lãnh đạo DN, chúng ta nên chuẩn bị kỹ năng quản lý cần thiết nhằm truyền đạt cho đội ngũ nhân sự để cùng nhau giữ vững vị thế DN của mình trong giai đoạn khó khăn này” - ông Nghi nói.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (tỉnh Bình Dương) Mai Hữu Tín thì cho rằng, trong quản trị DN, điều quan trọng là làm sao cho tất cả người lao động, thành viên được tham gia vào quá trình thay đổi của DN.

Cũng theo ông Mai Hữu Tín, trong lĩnh vực sản xuất gỗ của Việt Nam đang có rất nhiều triển vọng nhưng cũng đứng trước các thử thách phải thay đổi mang tính sống còn. Hiện nay, đa phần nghề gỗ đang làm gia công, sự sáng tạo trong khâu sản xuất chưa cao. Do đó, không chỉ ngành gỗ mà các ngành khác cũng phải có sự thay đổi để phù hợp với xu thế chung. Tuy nhiên, việc thay đổi diễn ra liên tục là một phần của kế hoạch, kế hoạch là phải có chỗ để thay đổi phù hợp với hiện trạng mới, đi từng bước để tới thành công. Đó cũng là một trong những nguyên do mà ông và nhiều DN lớn trong ngành gỗ của Việt Nam đang xúc tiến để có thể hợp sức đầu tư một trung tâm lớn về sản xuất ở Đồng Nai. Đây sẽ là dự án đi theo hướng sáng tạo và xây dựng thành hệ sinh thái chung, tạo sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường quốc tế cho gỗ Việt.

Vào ngày 27-10-2023, trong buổi tọa đàm cùng các doanh nhân trẻ Đồng Nai, TS Diệp Gia Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Alpha Capital, Viện trưởng Viện Quản lý Alpha (TP.HCM) nhấn mạnh, đang có sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng tiêu dùng. Do đó, DN cần hiểu biết và nắm bắt khách hàng, tìm nguồn vốn bằng chiến lược thông minh hơn. Cần cải tiến mô hình kinh doanh phù hợp, tối ưu hóa vận hành và thay đổi phương thức hoạch định, quản trị phù hợp xu thế của xã hội. Đây cũng là bài học thành công mà các tập đoàn lớn ở trong nước, trên thế giới thường xuyên triển khai, áp dụng.

* Nhà nước tạo cơ chế để DN đổi mới

Tại buổi gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với cộng đồng doanh nhân, DN năm 2023 vừa tổ chức, các chuyên gia, doanh nhân đã kiến nghị các chính sách thúc đẩy phát triển trong giai đoạn tới.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công, ngoài các vấn đề cấp bách như: giảm thuế, phí, hỗ trợ lãi suất, thị trường tiêu thụ… thì trung và dài hạn, các DN mong muốn các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cũng cần được quan tâm hoạch định.

Theo ông Công, Nhà nước quan tâm hơn trong các lĩnh vực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại, giúp DN Việt Nam phát huy lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh ở các thị trường mà nước họ chưa ký kết các hiệp định. Chính phủ đẩy mạnh cải thiện hạ tầng logistics, thủ tục hành chính để giảm chi phí vận chuyển, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam…

Theo các DN, họ sẽ phải tìm cách tự cứu mình trước, nhưng trong bối cảnh hiện tại, DN rất cần sự rõ ràng, minh bạch về chính sách, dự báo về tình hình kinh tế trong nước, thế giới trong ngắn hạn, dài hạn để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. DN cũng cần các bộ, ngành, địa phương giải quyết nhanh các bất cập do quy định chưa rõ ràng, chồng chéo với tư duy phù hợp bối cảnh mới.

“Làm sản xuất, quy mô còn nhỏ, để vượt qua khó khăn, chúng tôi mong muốn việc tham gia vào thị trường được hỗ trợ từ chính sách sao cho thật đơn giản; đồng thời, cũng để DN thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu, sắp xếp lại mô hình kinh doanh bắt kịp với tốc độ công nghệ, của thị trường” - đại diện một DN ngành cơ khí, chế tạo ở H.Long Thành bày tỏ.

Văn Gia

Tin xem nhiều