Báo Đồng Nai điện tử
En

Châu Phi nhập khẩu nhiều nông sản của Việt Nam

Bình Nguyên
08:04, 13/11/2023

Năm 2023, trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn vì ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhiều thị trường truyền thống của Việt Nam bị ảnh hưởng thì châu Phi nổi lên là điểm sáng trong hợp tác giao thương của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu nông sản sang thị trường này ngày càng tăng.

Nông dân xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ phơi tiêu. Ảnh: B.Nguyên
Nông dân xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ phơi tiêu. Ảnh: B.Nguyên

Trong các sản phẩm xuất khẩu tốt vào thị trường châu Phi có nhiều sản phẩm là thế mạnh của tỉnh Đồng Nai như: cà phê, hạt điều, hồ tiêu… Đây là cơ hội để doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này trong giai đoạn khó khăn.

* Thị trường mới giàu tiềm năng

Trong 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới giảm gần 11% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng kim ngạch của Việt Nam với khu vực châu Phi lại tăng 4,7%, đạt 4,35 tỷ USD. Trong đó, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang khu vực đã tăng mạnh về lượng và giá trị, như gạo, cà phê, hạt điều…

Châu Phi có dân số hơn 1,3 tỷ người, năng lực sản xuất còn hạn chế nên có nhu cầu cao về nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm chế biến từ gạo, cà phê, hạt tiêu... Đây là nhóm mặt hàng thế mạnh của Việt Nam nên thị trường mới này hiện đang là điểm sáng trong bức tranh giao thương của Việt Nam. Thị trường này cũng còn nhiều tiềm năng và dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.

Tại tọa đàm trực tuyến “Quảng bá nông sản tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở châu Phi” vừa diễn ra vào đầu tháng 11, ông Dương Chính Chức, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Angola nhận xét, việc đẩy mạnh hoạt động quảng bá nông sản vào các thị trường châu Phi rất đúng đắn vì các nước này đang khan hiếm lương thực, thực phẩm. Thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola sẽ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam vào nước này và kết nối DN giữa 2 nước. Ngoài ra, Đại sứ quán sẽ tổ chức các hoạt động trưng bày sản phẩm Việt Nam trực tiếp hoặc giới thiệu qua kênh thương mại điện tử.

Đại diện của Đại sứ quán Nam Phi cho biết, Nam Phi được xem là cửa ngõ, là cổng kết nối để đưa hàng hóa vào sâu các nước châu Phi. Nông sản chủ lực của Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường này rất tốt, nhất là các mặt hàng gạo, hạt tiêu, hạt điều… Đặc biệt, từ năm 2022, mặt hàng cà phê hòa tan có sự tăng trưởng vượt bậc tại thị trường này. Tuy nhiên, hiện nông sản Việt Nam chưa tạo được thương hiệu tại thị trường Nam Phi. Đại sứ quán sẽ hỗ trợ DN tìm hiểu thị trường cũng như xác minh về pháp lý của các đối tác ở châu Phi; hỗ trợ về trưng bày, quảng bá sản phẩm…

* Phải tính đường dài

Thời gian qua, xuất khẩu nông sản vào thị trường châu Phi chưa được đẩy mạnh vì một số khó khăn như: thiếu thông tin, hiểu biết về thị trường, đối tác và quy định pháp luật, tập quán làm ăn của nước sở tại. Đây là thị trường xa xôi nên chi phí vận chuyển hàng khá cao… Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường còn giàu tiềm năng này, việc đầu tiên cần đầu tư cho hoạt động xúc tiến thương mại vào thị trường châu Phi một cách có trọng tâm, trọng điểm.

Theo ông BÙI HÀ NAM, Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi, để xuất khẩu tốt vào thị trường châu Phi, DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh về giá, chất lượng với các nhà cung cấp khác trên thế giới. Việt Nam cũng cần có nhiều giải pháp, cách thức phù hợp để quảng bá nông sản đến DN và người tiêu dùng của thị trường này.

Với mục tiêu đẩy mạnh quảng bá, tăng cường đưa nông sản Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi, các đại sứ quán Việt Nam tại châu Phi đã chủ động thành lập các phòng, khu vực trưng bày, giới thiệu hàng mẫu xuất khẩu của Việt Nam, giúp kết nối thành công một số đối tác địa phương và DN của các nước sở tại với các đối tác Việt Nam. Các địa phương trong đó có tỉnh Đồng Nai rất quan tâm đến thị trường châu Phi và mong có nhiều chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho hay, những năm qua, Đồng Nai đã xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản như: cà phê, tiêu, gỗ, điều, rau, quả, thức ăn gia súc và nguyên liệu vào thị trường châu Phi. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng năm 2023 vào thị trường châu Phi đạt trên 696,7 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu cà phê đạt gần 3,5 triệu USD, hạt tiêu là hơn 1,1 triệu USD và hạt điều là hơn 431 ngàn USD, hàng rau quả là hơn 40,5 ngàn USD, thức ăn gia súc và nguyên liệu gần 496,6 ngàn USD. Đây cũng là thị trường Đồng Nai nhập khẩu nhiều các mặt hàng nông sản như: hạt điều thô, nguyên liệu thức ăn gia súc, gỗ...

Thời gian qua, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, ngành chế biến, xuất khẩu hạt điều trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Các DN chế biến hạt điều của tỉnh còn gặp khó khăn do đang phải nhập khẩu hạt điều thô từ châu Phi thông qua đơn vị trung gian nên việc đảm bảo nguồn nhập khẩu ổn định gặp nhiều khó khăn. Việc vận chuyển nguyên liệu từ châu Phi về cũng không thuận lợi do số lượng tàu hàng ít, không có tuyến đi thẳng về Việt Nam mà phải qua trung gian dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài. Về chất lượng sản phẩm hạt điều nhập khẩu khó kiểm soát do các hợp đồng nguyên liệu thô chỉ ràng buộc về độ ẩm thu hồi và không nhiễm nấm mốc.

Ông Thắng kiến nghị: “Mong Bộ Ngoại giao và đại sứ quán tại các nước châu Phi có chính sách thông thoáng và hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản như hạt điều thô từ châu Phi. Hỗ trợ địa phương nắm bắt thông tin các nhu cầu về hàng hóa, chất lượng, giá cả sản phẩm của từng thị trường để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản vào thị trường mới còn giàu tiềm năng này”.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều