Báo Đồng Nai điện tử
En

Tính quỹ đất để phát triển hạ tầng giao thông

Phạm Tùng
08:44, 05/10/2023

Nhu cầu đất giao thông trên địa bàn Đồng Nai rất lớn, nhưng trong phương án phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 thì chỉ tiêu đất giao thông dành cho tỉnh khá hạn chế.

Thi công dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua địa bàn H.Long Thành. Ảnh: P.Tùng
Thi công dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua địa bàn H.Long Thành. Ảnh: P.Tùng

Điều này đặt ra bài toán khó khi trên địa bàn tỉnh có rất nhiều dự án giao thông của trung ương cũng như của tỉnh đã và đang được triển khai.

* Tăng thêm 7 ngàn ha đất giao thông

Theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9-3-2022 (Quyết định số 326) về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt vào tháng 3-2022, đến năm 2030, diện tích đất giao thông trên địa bàn tỉnh là gần 21,9 ngàn ha. So với thời điểm năm 2020, diện tích đất giao thông phân bổ cho tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 sẽ được tăng khoảng 7 ngàn ha.

Đối với một địa phương là đầu mối giao thông của cả nước như Đồng Nai, diện tích đất giao thông tăng thêm này được đánh giá là chưa đáp ứng hết nhu cầu phát triển.

Sở GT-VT cho biết, theo phương án đề xuất quy hoạch tỉnh, diện tích hơn 11,7 ngàn ha đất giao thông cấp quốc gia sẽ phục vụ cho các dự án: 12 tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ; 4 tuyến đường sắt quốc gia và 3 tuyến đường sắt đô thị; 42 cảng biển; 23 cảng thủy nội địa; 9 cảng cạn và 2 sân bay.

Ông Bùi Đào Thái Trường, Tổng giám đốc Công ty Roland Berger Việt Nam, đại diện liên danh tư vấn lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho rằng, trên địa bàn tỉnh hiện đã có quy hoạch rất nhiều công trình giao thông trọng điểm của quốc gia. Các công trình này đã chiếm một diện tích rất lớn trong chỉ tiêu đất giao thông của tỉnh. Do đó, với khoảng thời gian còn lại của kỳ quy hoạch và với quỹ đất giao thông còn lại rất khó để đáp ứng hết nhu cầu. “Chỉ tính riêng dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đã có diện tích thực hiện khoảng 5 ngàn ha” - ông Bùi Đào Thái Trường cho biết.

Xuất phát từ thực tế trên, tại hợp phần phương án phân bổ đất đai trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi xin ý kiến các bộ, ngành vào tháng 7-2023, liên danh đơn vị tư vấn đã đề xuất chỉ tiêu đất giao thông trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là hơn 26,7 ngàn ha. Con số này cao hơn so với chỉ tiêu cấp quốc gia đã được phê duyệt gần 4,9 ngàn ha.

Mặc dù vậy, trong phương án báo cáo mới đây với UBND tỉnh, liên danh đơn vị tư vấn đã điều chỉnh và đề xuất phương án tuân theo chỉ tiêu quốc gia đã phân bổ cụ thể. Với quỹ đất giao thông theo phương án tuân thủ chỉ tiêu quốc gia đã phân bổ, liên danh đơn vị tư vấn cũng cho rằng, việc sử dụng quỹ đất này phải cân đối, phù hợp, đảm bảo sử dụng đất một cách tiết kiệm, hiệu quả cao nhất. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các dự án đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để triển khai.

* Kiến nghị không điều chỉnh phương án

Trước đề xuất phương án mới về đất giao thông của đơn vị tư vấn, tại văn bản góp ý về chỉ tiêu đất giao thông trong phương án phân bổ đất đai trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở GT-VT đã đề nghị giữ nguyên chỉ tiêu đất giao thông theo đề xuất ban đầu là hơn 26,7 ngàn ha. Diện tích này sẽ phục vụ cho việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông cấp quốc gia và các công trình giao thông cấp tỉnh, bao gồm các mạng lưới đường giao thông nông thôn.

Theo Sở GT-VT, tại Quyết định số 326 có ghi rõ chỉ tiêu “đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia”, trong đó “đất giao thông” đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh là gần 21,9 ngàn ha.

Trong khi đó, theo đề xuất ban đầu của quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, đất giao thông trên địa bàn tỉnh là hơn 26,7 ngàn ha, bao gồm cả diện tích các công trình hạ tầng cấp quốc gia, các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn, bến thủy nội địa… Nếu chỉ tính riêng diện tích “đất giao thông cấp quốc gia” được xác định trong quy hoạch tỉnh, diện tích chỉ có hơn 11,7 ngàn ha.

Tại buổi làm việc để nghe liên danh đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh báo cáo về các chuyên đề: phương án dân số; phương án phát triển đô thị và nông thôn; phương án phân bổ đất đai vào giữa tháng 9 vừa qua, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, trong phương án phân bổ đất đai, tư vấn đề xuất nhìn chung các loại đất, trong đó có đất giao thông tăng so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 326. Tuy nhiên, Điều 3 của quyết định này cũng nêu rõ, quá trình tổ chức thực hiện, nếu có nhu cầu phát sinh nhu cầu sử dụng đất đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh phù hợp với quy định hoặc trình Quốc hội xem xét điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2026-2030) vào năm 2024.

Do đó, đơn vị tư vấn cũng xem xét đề xuất theo hướng mở rộng tối đa chỉ tiêu sử dụng đất, trong đó có đất giao thông và đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 326.           

Phạm Tùng

Tin xem nhiều
Hướng dẫn order 1688 từ A-Z