Báo Đồng Nai điện tử
En

Mất mã số vùng trồng, trái cây lận đận đầu ra

Hương Giang
07:55, 18/10/2023

Để được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, các nhà vườn, cơ sở phải mất từ 3-4 năm xây dựng. Trong đó, đòi hỏi có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân - doanh nghiệp - nhà khoa học - Nhà nước. Như vậy, trái cây làm ra mới có năng suất, chất lượng, mẫu mã đáp ứng được nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều loại trái cây của Việt Nam có mã số vùng trồng xuất khẩu tốt, mang về hàng tỷ USD, giúp các nhà vườn có thu nhập, lợi nhuận cao từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/ha/năm.

Niềm vui của nông dân chưa được bao lâu thì mới đây, Cục Hải quan Trung Quốc đã cảnh báo vì phát hiện một số lô hàng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật trên chuối, sầu riêng, xoài, mít, thanh long xuất khẩu sang thị trường này. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam nên để xảy ra tình trạng trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các nhà vườn. Cụ thể, sau khi Cục Hải quan Trung Quốc khuyến cáo, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các tỉnh, thành rà soát lại việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, các cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu. Một số địa phương, trong đó có Đồng Nai, đã tiến hành thu hồi mã số vùng trồng của cây chuối. Hậu quả là trái chuối giá đang từ 13-15 ngàn đồng/kg giảm còn 5 ngàn đồng/kg. Người trồng chuối đang có lợi nhuận tốt, chuyển qua bán chuối dưới giá thành.

Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Trong gần 2 năm trở lại đây, diện tích vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số tăng nhanh, đặc biệt trên cây chuối, sầu riêng. Cụ thể, trong 9 tháng của năm 2023, có thêm gần 50 vùng trồng với diện tích gần 4,9 ngàn ha và 28 cơ sở đóng gói được cấp mã số. Có lẽ do mã vùng trồng, cơ sở đóng gói tăng quá nhanh với diện tích, sản lượng trái cây lớn đã khiến các nhà vườn, cơ sở đóng gói không kiểm tra chặt chẽ hết được từng lô hàng xuất khẩu. Vì vậy, đã để xảy ra tình trạng có sinh vật gây hại trên một số lô hàng trái cây xuất khẩu.

Đây chính là bài học đắt giá cho các nhà vườn, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số ở Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trên cả nước. Nếu các nhà vườn, cơ sở đóng gói, cơ quan quản lý các địa phương không quản lý chặt chẽ các khâu để trái cây đảm bảo chất lượng khi xuất khẩu thì nguy cơ mất thị trường tiêu thụ sẽ rất lớn. Ngoài thị trường Trung Quốc, có thể sẽ mất thêm các thị trường xuất khẩu khác như: châu Âu, Nhật Bản, ASEAN… Trái cây Việt Nam không xuất khẩu được sẽ rơi vào cảnh lận đận, không có đầu ra và phải bán dưới giá thành.

Hương Giang

Tin xem nhiều