Báo Đồng Nai điện tử
En

Hợp tác kiến tạo chuỗi đô thị dọc sông Đồng Nai

Hoàng Lộc
09:01, 07/10/2023

Vừa qua, Sở Xây dựng Đồng Nai và Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM đã có buổi khảo sát, trao đổi thông tin về quy hoạch phát triển đô thị ven sông và kết nối giao thông liên vùng.

Khu đô thị sinh thái ven sông ở xã Long Hưng, TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Lộc
Khu đô thị sinh thái ven sông ở xã Long Hưng, TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Lộc

Điều này giúp 2 địa phương khai thác hài hòa các giá trị của dòng sông, tạo điểm nhấn cho không gian đô thị.

* Tài sản vô giá của cả vùng

Sông Đồng Nai là sông nội địa dài nhất cả nước. Đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai là hạ nguồn trước khi đổ ra biển. Vì thế, sông có nhiều giá trị về tài nguyên nước, phù sa, văn hóa, lịch sử, giao thông thủy. Những năm gần đây, tỉnh đã quy hoạch nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội ven sông, song việc thực hiện còn chậm, đặc biệt là lập quy hoạch các phân khu chức năng.

Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho biết, dọc tuyến sông Đồng Nai đoạn qua TP.Biên Hòa và 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch đã hình thành một số dự án nhưng dân cư vẫn thưa. Điều này chứng tỏ hạ tầng kết nối giao thông, thương mại dịch vụ chưa tốt. Cần từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc bờ sông, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối các tiện ích công cộng để tạo điều kiện phát triển hoạt động kinh tế, dịch vụ liên quan đến sông nước và hạ tầng xanh.

Để khai thác các giá trị từ sông Đồng Nai cần có quy hoạch hài hòa, thống nhất. Triển khai các dự án giao thông vừa giải quyết bài toán về giao thông, vừa có quỹ đất phát triển đô thị. Khi đó, các hoạt động du lịch, dịch vụ, kinh tế cũng phát triển theo.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó trưởng phòng Quản lý quy hoạch kiến trúc (Sở Xây dựng) Nguyễn Tuấn Minh cho rằng, ven sông Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển các khu đô thị hiện đại. Bên cạnh đó, sông Đồng Nai có đặc trưng về cảnh quan lẫn văn hóa, lịch sử nên có thể kết nối với các tỉnh, thành lân cận tạo ra sản phẩm du lịch phong phú, độc đáo.

Cũng theo ông Minh, hiện nay giao thông kết nối 2 bên bờ sông, đặc biệt là với TP.HCM còn hạn chế. Do đó, ngoài các dự án đường bộ đang triển khai, cũng cần nghiên cứu, đầu tư thêm các cầu vượt sông. Chú trọng khai thác lợi thế giao thông thủy trong kết nối Đồng Nai với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã đánh giá, sông Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển đô thị. TP.HCM đã đi trước một bước trong công tác lập quy hoạch và đã hình thành được nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội ven sông ở TP.Thủ Đức, H.Bình Chánh, H.Nhà Bè, H.Cần Giờ, Q.7... Thành phố sẵn sàng hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với Đồng Nai trong việc thúc đẩy hình thành đô thị ven sông và giao thông kết nối.

“Sau chuyến đi khảo sát thực tế hơn 50km đường sông, tôi cho rằng, Đồng Nai và cả TP.HCM còn nhiều tiềm năng khai thác các giá trị từ sông Đồng Nai. TP.HCM sẽ hợp tác với Đồng Nai để khai thác hài hòa các giá trị theo mong mỏi, kỳ vọng của lãnh đạo 2 địa phương” - ông Nhã nói.

* Sẽ có chuỗi đô thị dọc sông

Trong hồ sơ quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, dọc sông Đồng Nai là một trong 6 hành lang phát triển của tỉnh.

Về không gian đô thị, sẽ có 3 khu vực là: TP.Biên Hòa, H.Long Thành và H.Nhơn Trạch. Trong đó, TP.Biên Hòa - khu đô thị trung tâm hiện hữu, từ Bến tàu đường Nguyễn Văn Trị đến cù lao Hiệp Hòa sẽ phát triển theo hướng cải tạo, chỉnh trang kết hợp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, cảnh quan đặc trưng. Các khu đô thị mới như: cù lao Hiệp Hòa khoảng 293ha, cù lao Tân Vạn khoảng 48ha, khu đô thị Long Hưng khoảng 1.185ha…

Tại H.Long Thành, khu vực xã Tam An, An Phước và một phần xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) sẽ có khu phức hợp công nghiệp đô thị dịch vụ với tổng diện tích tự nhiên hơn 2,5 ngàn ha.

Huyện Nhơn Trạch có hơn 10 dự án, trong đó đáng chú ý là dự án khu đô thị du lịch sinh thái tại xã Đại Phước quy mô 550ha, khu đô thị du lịch Long Tân - Phú Thạnh khoảng 330ha… Một số tập đoàn lớn đang chờ quy hoạch phân khu để đề xuất triển khai dự án ven sông.

Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ cho biết, hơn 20 năm qua, huyện chưa đạt mục tiêu thành phố một phần cũng do quy hoạch, kết nối giao thông chưa tốt. Về quy hoạch, huyện có 2/12 phân khu được duyệt. Về giao thông, 80% trục giao thông chính đã được đầu tư nhưng các tuyến kết nối với TP.HCM và vùng còn hạn chế. Nhiều năm nay, chính quyền, người dân mong cầu Cát Lái sớm thực hiện để thuận lợi cho việc đi lại và phát triển kinh tế. H.Nhơn Trạch cũng đề xuất thêm một số cầu nối H.Nhơn Trạch với TP.HCM để khai thác lợi thế hơn 30km dọc sông.

Hiện nay, phía TP.HCM đã có quy hoạch, hình thành nhiều dự án dọc sông. Tuy nhiên, phía Đồng Nai vẫn còn khiêm tốn do TP.Biên Hòa và H.Nhơn Trạch đang điều chỉnh quy hoạch chung, H.Long Thành đang lập quy hoạch đô thị. Việc hoàn thành quy hoạch đô thị, giao thông là giải pháp để khai thác lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đôi bên. 

Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho rằng, lãnh đạo 2 địa phương đều mong muốn hợp tác, kiến tạo chuỗi đô thị dọc sông Đồng Nai. Để làm được điều này, các bên phải có quy chế phối hợp trong chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về lập, thực hiện quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch giao thông.

Trên cơ sở khảo sát, Sở Xây dựng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh trong việc tổ chức quy hoạch, kế hoạch phát triển các đô thị ven sông; kết nối không gian đô thị và giao thông để vừa khai thác các lợi thế vừa bảo vệ nét đẹp của dòng sông.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều
Dự án Foresta Khang Điền