Những năm gần đây, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nên Net Zero (phát thải ròng bằng 0) là thách thức lớn cho các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, tiến trình này cũng mang đến những cơ hội hợp tác, phát triển mạnh mẽ.
Nhà máy Thức ăn dinh dưỡng vật nuôi Provimi Premix (Khu công nghiệp Giang Điền, H.Trảng Bom) theo tiêu chí xây dựng xanh của Tập đoàn Cargill. Ảnh: H.Lộc |
Mặc dù chưa thực sự rõ ràng nhưng nhiều DN ở Đồng Nai và cả nước đang thực hiện giảm nhiên liệu, chuyển đổi công nghệ, tái sử dụng bao bì để đạt mục tiêu phát triển bền vững hơn.
* Công nghệ, năng lượng là ưu tiên hàng đầu
Từ năm 1995, Tập đoàn Cargill (Hoa Kỳ) đã đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 2. Sau đó, tập đoàn đã mở rộng đầu tư nhiều nhà máy trong nước và khu vực. Mới đây, Tập đoàn Cargill khánh thành nhà máy thứ 2 ở Đồng Nai và đáp ứng tiêu chí sản xuất xanh.
Ông Phạm Đức Thắng, Tổng giám đốc ngành dinh dưỡng vật nuôi Cargill Việt Nam và Thái Lan cho biết, đây là nhà máy hiện đại nhất của Cargill ở châu Á. Công trình được xây dựng theo mô hình xanh với nhà thép tiền chế và mái tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Bên trong, các khâu chủ yếu do robot thực hiện với tỷ lệ tự động hóa lên đến hơn 95%, đảm bảo kiểm soát chất lượng, giảm nhân công và giảm tỷ lệ hàng lỗi. Vì vậy, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn như: ISO 22000 và FAMI QS.
Sản xuất xanh tiến tới Net Zero là mong muốn chung của mọi quốc gia. Tiến trình này có thể rút ngắn nếu huy động được sức mạnh từ cộng đồng DN, nhà đầu tư, tổ chức trong và ngoài nước. |
Công ty Ajinomoto Việt Nam ở KCN Biên Hòa 1 cũng thực hiện chính sách giảm phát thải ròng bằng 0 nhiều năm nay. Theo đó, chất thải phát sinh từ quá trình sản xuất bột ngọt (chủ yếu là mật mía và tinh bột khoai mì) được tái sử dụng làm phân bón và thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, công ty tuân thủ nguyên tắc 3R: giảm thiểu (reduce) - tái sử dụng (reuse) - tái chế (recycle) để giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý; sử dụng trấu làm nhiên liệu cho lò hơi thay khí gas; tái sử dụng nước thải tưới cây.
Phó tổng giám đốc Sáng tạo đổi mới và phát triển kinh doanh Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam (có chi nhánh tại KCN Biên Hòa 1) Lâm Tố Trinh cho rằng, Net Zero là chặng đường dài, trong bối cảnh khó khăn hiện nay DN cần đưa ra kế hoạch với lộ trình cho từng giai đoạn. Tại BlueScope đã bắt đầu bằng việc gắn pin năng lượng mặt trời lên mái nhà để giảm tiêu thụ điện khu vực văn phòng, căn tin. Tới đây, DN tiếp tục gắn điện mặt trời cho khu vực sản xuất, đổi mới công nghệ để đạt mục tiêu giảm 50% khí thải carbon vào năm 2030.
Một DN điển hình khác thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến không phát thải hiệu quả là Công ty TNHH Nestlé Việt Nam. Lộ trình của Tập đoàn là các nhà máy giảm 20% phát thải vào năm 2025, giảm 50% vào năm 2030 và hoàn thành mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Tại Đồng Nai, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã đầu tư xây dựng 3 nhà máy sản xuất. Để thực hiện mục tiêu Net Zero, Tập đoàn Nestlé tập trung vào thúc đẩy nông nghiệp tái sinh; bảo tồn, tái tạo rừng. Bên cạnh đó là thực hiện chương trình giảm phát thải trong sản xuất, tái sử dụng bao bì. Riêng về bao bì, tập đoàn đặt mục tiêu đến năm 2025, trên 95% bao bì nhựa được thiết kế để tái chế.
* Cần cơ chế nhất quán và ổn định
Mặc dù đã có các cam kết, đề án, kế hoạch, chiến lược hành động nhưng trên thực tế Việt Nam vẫn chưa có chính sách cụ thể, tiêu chuẩn, định mức Net Zero cho nền kinh tế, từng lĩnh vực.
TS Hà Đăng Sơn, Phó giám đốc kỹ thuật Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II của USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ) cho rằng, năng lượng là lĩnh vực quan trọng nhất trong tăng trưởng xanh. Trong Quy hoạch điện VIII ban hành tháng 5-2023, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 80-85% năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu năng lượng vào năm 2050, nhưng đến nay chính sách cho lĩnh vực này vừa thiếu, vừa chậm.
Sản xuất quần Jean xuất khẩu tại Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) |
TS Sơn phân tích, từ cuối năm 2020 đến nay, cơ chế giá mua điện mặt trời bị “trống”. DN muốn lắp đặt để sản xuất theo tiêu chí xanh vướng nhiều thủ tục và ngành Điện không cho đấu nối lưới. Tài chính cho năng lượng tái tạo của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 3-4% trong tổng tín dụng, còn quá ít. Chính sách bất ổn, tín dụng hạn hẹp là trở ngại lớn với các nhà đầu tư. Với năng lượng tái tạo, chính sách cần ổn định trong 10-15 năm để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Ở góc độ DN, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 (H.Vĩnh Cửu) Bùi Xuân Hùng cho rằng, luật, các nghị định, thông tư đều có nội dung khuyến khích tái chế, tái sử dụng chất thải nhưng DN chưa nhận được bất kỳ ưu đãi nào. Nhiều năm nay, DN bỏ chi phí đầu tư, nghiên cứu phát triển các sản phẩm tái chế từ chất thải công nghiệp nhưng phần lớn đem đi từ thiện. Do đó, nên có chính sách ưu đãi về vốn cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tái chế.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho hay, nhiều DN ở Đồng Nai muốn phát triển năng lượng tái tạo, tái sử dụng chất thải phục vụ cho sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí và đạt chứng chỉ xanh xuất khẩu nhưng khó thực hiện. Nguyên nhân là luật quy định chưa rõ ràng, hướng dẫn của các bộ, ngành không thống nhất. Ví dụ, 2 năm nay, Đồng Nai nhiều lần kiến nghị về thủ tục triển khai dự án điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ nhưng văn bản phản hồi rất chậm và chung chung. Tương tự, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể cho việc tái sử dụng nước thải tưới cây trong khi DN rất cần.
Hoàng Lộc
Bài cuối: Net Zero, cần huy động nhiều nguồn lực
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin