Sở TN-MT vừa tổ chức tổng kết kế hoạch tổng kiểm tra hơn 9 ngàn cơ sở chăn nuôi trong Đồng Nai. Theo đó, tình trạng vượt mật độ, chưa đăng ký giấy phép và chưa tuân thủ tốt quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) là các vấn đề nổi lên.
Lãnh đạo UBND H.Thống Nhất kiểm tra môi trường cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện. Ảnh: H.Lộc |
Quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp chăn nuôi nhưng không vì thế mà đánh đổi môi trường.
* Nhiều cơ sở chăn nuôi chưa được cấp phép
Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho biết, kết quả kiểm tra hơn 7,8 ngàn cơ sở chăn nuôi thời gian qua cho thấy nổi lên nhiều vấn đề. Đối với cơ sở chăn nuôi quy mô cấp tỉnh, có 5 cơ sở đang hoạt động nhưng không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, 31 cơ sở hết thời hạn sử dụng đất, 19 cơ sở được cấp giấy phép xây dựng nhưng giấy phép không thể hiện các hạng mục công trình BVMT, 22 cơ sở hoạt động nhưng chưa được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng chuồng trại và các hạng mục BVMT.
Đối với cơ sở quy mô cấp huyện, còn 762/1.009 cơ sở chưa được cấp giấy phép/giấy đăng ký môi trường. Nhiều trường hợp không có bể chứa nước thải hoặc có bể chứa nhưng không có hệ thống chống thấm, bạt lót bị hư hỏng gây ô nhiễm môi trường.
Nan giải nhất là các cơ sở chăn nuôi nông hộ. Đa số chuồng trại không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chất thải xử lý sơ sài qua hầm biogas rồi dùng tưới cây hoặc để tự thấm ra đất, chảy ra suối. Đáng nói, trong số này có gần 330 cơ sở đang hợp tác chăn nuôi cho các công ty, tập đoàn lớn.
Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất Nguyễn Đình Cương cho biết, đặc thù chăn nuôi trên địa bàn là từ nông hộ lên chuồng trại. Quá trình nâng cấp, người dân không đăng ký giấy phép môi trường, xây dựng; không nâng cấp hệ thống xử lý chất thải dẫn đến không phép, vượt mật độ, gây ô nhiễm môi trường. Huyện đã và đang quyết liệt kiểm tra, xử lý cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép, không đáp ứng về BVMT.
Bên cạnh những cơ sở làm chưa tốt cũng có những cơ sở bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư chăn nuôi. Ông Phạm Nhật Đông (ở xã Phú Thanh, H.Tân Phú), chủ trang trại vịt quy mô lớn nhất tỉnh cho biết, đã đầu tư hàng chục tỷ đồng làm 8 dãy chuồng, 2 hồ nước trên khuôn viên 4,6ha. Chuồng nuôi được đầu tư theo mô hình trại lạnh, có đệm lót sinh học. Phân vịt được thu gom, ép khô bán cho đơn vị sản xuất phân bón. Nước ép phân và nước thải được xử lý qua bể biogas, hồ điều hòa, lắng lọc rồi chảy ra suối.
“Tôi làm bài bản từ giấy phép môi trường, xây dựng cho đến hạng mục BVMT. Chi phí ban đầu khá “nặng”, nhưng bù lại không bị người dân phản ánh mùi hôi, hiếm xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp” - ông Đông nói.
* Tăng cường quản lý môi trường, quy hoạch
Mặc dù còn các tồn tại kể trên nhưng theo đánh giá của Sở TN-MT, sau đợt tổng kiểm tra cho thấy ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của các cơ sở chăn nuôi có cải thiện. Điều này được minh chứng thông qua kết quả quan trắc chất lượng nước sông, suối. Có 2/4 công ty thuê nuôi gia công cam kết tạm ngưng ký hợp đồng với cơ sở chưa được cấp giấy phép/giấy xác nhận môi trường; chỉ tái ký hợp đồng khi cơ sở có giấy phép của cơ quan chức năng cấp.
Sau 5 tháng tổng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, ngành chức năng đã ban hành quyết định xử phạt đối với 164 cơ sở, số tiền phạt hơn 6,1 tỷ đồng; đồng thời, đình chỉ hoạt động có thời hạn 16 cơ sở, yêu cầu tạm ngưng hoạt động đối với hơn 940 cơ sở. |
Từ thực tế này, Sở TN-MT kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo công tác BVMT, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng trong chăn nuôi.
Về môi trường, các huyện và TP.Long Khánh tiếp tục kiểm tra, xử lý cơ sở chăn nuôi chưa kiểm tra theo kế hoạch đã duyệt, đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm tra năm 2024, phối hợp với Sở NN-PTNT thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp quy hoạch theo quyết định của UBND tỉnh.
Về quy hoạch sử dụng đất, cấp huyện rà soát, đánh giá hoạt động của các cơ sở chăn nuôi, trường hợp không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương thì đề xuất bổ sung cơ sở phải di dời.
Trang trại chăn nuôi vịt lớn nhất tỉnh (ở xã Phú Thanh, H.Tân Phú) của ông Phạm Nhật Đông |
Về quản lý xây dựng, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện đăng ký giấy phép xây dựng. Trường hợp đã hoạt động nhưng chưa được cấp giấy phép xây dựng chuồng trại, các hạng mục BVMT thì hướng dẫn bổ sung thủ tục.
Đại diện Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) cho biết, thời gian qua đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát cơ sở chăn nuôi chưa đủ điều kiện để tạm ngưng thả đàn theo chỉ đạo của Sở TN-MT. Công ty cũng kiến nghị có hướng dẫn cụ thể về thủ tục đăng ký giấy phép môi trường và có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, công tác quản lý chăn nuôi còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Về môi trường, nhiều cơ sở chưa có giấy phép, chưa đăng ký thủ tục; quá trình chăn nuôi chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý. Một số địa phương phát triển chăn nuôi vượt mật độ cho phép, cần rà soát và đề ra lộ trình thực hiện giảm, ngưng chăn nuôi ở khu vực không được phép.
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 13-4-2023 của UBND tỉnh về tổng kiểm tra môi trường chăn nuôi. Có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trại chưa làm đúng quy định BVMT.
Hoàng Lộc - Huyền Trang
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin